Sở Tư pháp TP.HCM đột phá cải cách hành chính

Năm qua, Sở Tư pháp TP.HCM đã triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp. Đáng chú ý, công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được Sở Tư pháp quan tâm, quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, triển khai thực hiện một cách đồng bộ trên các lĩnh vực quản lý của sở. Mục tiêu là hướng đến xây dựng chính quyền vì dân phục vụ, thân thiện, minh bạch, hiện đại, nói không với tiêu cực, nhũng nhiễu.

Năm của đột phá cải cách

Ngay từ đầu năm, Giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Văn Hạnh nhấn mạnh chủ đề năm 2019 là: “Năm đột phá CCHC và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội”. Vì thế Sở Tư pháp đã có các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn trong công tác CCHC tại sở. Ngoài ra sở còn triển khai đến tất cả phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc, công chức, viên chức, đảm bảo việc điều hành xuyên suốt, kịp thời. Kết quả là các lĩnh vực công tác đến nay đã hoàn thành so với nhiệm vụ, chỉ tiêu, trong đó một số nhiệm vụ hoàn thành vượt mức, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của TP.

Theo báo cáo tổng kết năm 2019, Sở Tư pháp TP.HCM đạt được một số kết quả nổi bật trong CCHC. Sở đã tham mưu UBND TP ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả là đã tạo hành lang pháp lý và cơ sở quan trọng để các sở, ngành, quận/huyện thực hiện.

Năm qua, Sở Tư pháp đã thực hiện góp ý, thẩm định 260 dự thảo văn bản các loại (tăng 4,25% so với năm 2018). Các ý kiến góp ý, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của sở đảm bảo đúng tiến độ, nhiều ý kiến góp ý, thẩm định được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu.

Sở đã thực hiện tư vấn pháp lý 415 vụ việc theo chỉ đạo của UBND TP và đề nghị của các sở, ban, ngành, UBND quận/huyện (tăng 2,31% so với năm 2018). Hầu hết các vụ việc tư vấn phức tạp, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, cưỡng chế thu hồi đất, xử lý vi phạm hành chính về xây dựng. Ngoài ra là việc xác định nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp, lĩnh vực đầu tư và giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Các tư vấn về pháp lý này được UBND TP đánh giá cao, được sự đồng thuận của cơ quan, đơn vị đề nghị tư vấn.

Người dân làm thủ tục tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: Kim Phụng

 Nhiều thành tích nổi bật

Sở Tư pháp thường xuyên rà soát, tham mưu UBND TP công bố thủ tục hành chính (TTHC)/danh mục TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của sở. Mục đích là nhằm đảm bảo kịp thời, đúng quy định của văn bản quy phạm pháp luật và các quyết định công bố TTHC của Bộ Tư pháp. Cụ thể, trong năm sở đã trình UBND TP ban hành quyết định công bố danh mục TTHC đối với ba lĩnh vực: Trách nhiệm bồi thường nhà nước; đăng ký biện pháp bảo đảm; lý lịch tư pháp.

Về phương án đơn giản hóa TTHC trên địa bàn TP thì Sở Tư pháp đã nghiên cứu, rà soát các quy định đề xuất trình UBND TP đơn giản hóa đối với 12 TTHC. Đó là các lĩnh vực hộ tịch, chứng thực và luật sư. Mục đích là nhằm giảm bớt giấy tờ hồ sơ phải nộp, cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Đề xuất này đã được UBND TP chấp thuận và ban hành phương án số 3734 ngày 18-9-2019 về đơn giản hóa TTHC của UBND TP.

Ngoài ra, sở đã chủ động phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng quy trình liên thông TTHC đối với hai thủ tục: Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài và cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài đối với một số trường hợp đặc biệt. Trong thủ tục này có thành phần hồ sơ là phiếu lý lịch tư pháp thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp. Đề xuất đã được UBND TP chấp thuận, hiện sở đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng quy chế để tham mưu UBND TP ban hành chính thức triển khai thực hiện.

32 nhiệm vụ năm 2020

Năm 2020 Sở Tư pháp TP.HCM đề ra 32 nhiệm vụ, trong đó phải kể đến nhiệm vụ xây dựng và ban hành chương trình kế hoạch trọng tâm bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND TP; tổ chức triển khai thực hiện trong toàn ngành. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, góp phần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của TP đầy đủ, đồng bộ, khả thi, minh bạch, cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng. Nâng cao chất lượng công tác tư vấn pháp luật, đảm bảo chất lượng, kịp thời, đáp ứng được sự tin tưởng của UBND TP.

Tự kiểm tra 100% các văn bản quy phạm pháp luật do UBND TP ban hành; kiểm tra 100% các văn bản của quận/huyện gửi đến để kiểm tra theo thẩm quyền. Tham mưu xử lý các văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp qua công tác tự kiểm tra. Thực hiện chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 trên địa bàn TP…

Hồ sơ xử lý trực tuyến tăng 95 lần

Năm qua Sở Tư pháp đã tiếp nhận 214.876 hồ sơ các loại (tăng 8,9% so với năm 2018); trả kết quả 194.673 hồ sơ. Số hồ sơ xử lý trực tuyến ở mức độ 3 là 57.297 hồ sơ trong tổng số 149.712 tiếp nhận (tăng 95 lần so với năm 2018). Số hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích là 26.760 (tăng năm lần so với năm 2018)... 

Một cửa ngày càng có lợi cho người dân

Sở Tư pháp đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ 23 quận/huyện tổ chức giới thiệu các dịch vụ công trong giải quyết hồ sơ hành chính tại sở. Trong số này đặc biệt là hai thủ tục: Cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP), cấp bản sao trích lục hộ tịch và dịch vụ nộp, trả kết quả hồ sơ qua bưu chính đến các chi hội, tổ, câu lạc bộ thuộc hội này trên địa bàn TP.

Qua đây người dân đã biết và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ nộp, trả kết quả hồ sơ qua bưu chính đối với các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của sở. Sở Tư pháp còn tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác CCHC. Cụ thể là triển khai ứng dụng phần mềm bổ trợ tư pháp, phần mềm một cửa, ISO điện tử, trang bị 12 máy tính đặt tại bộ phận một cửa, để người dân thuận tiện trong việc đăng ký trực tuyến dịch vụ cấp phiếu LLTP và cấp bản sao trích lục hộ tịch.

Sở Tư pháp đã có nhiều sáng kiến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tra cứu thông tin và thực hiện TTHC. Theo đó sở tiếp tục thực hiện việc niêm yết công khai, đầy đủ nội dung bộ TTHC đã được chuẩn hóa và bộ quy trình ISO tại bộ phận tiếp nhận - trả kết quả của sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của sở.

Cạnh đó, đơn vị tiếp tục triển khai dịch vụ đăng ký hẹn giờ nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Tư pháp qua tổng đài 1080 và dịch vụ đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến. Ngoài ra là niêm yết công khai, đầy đủ, chính xác địa chỉ cơ quan, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại cơ quan đầu mối tiếp nhận xử lý, phản ánh, kiến nghị về TTHC trên địa bàn TP trên trang thông tin điện tử của sở cũng như tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Năm 2019 sở cũng đã triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến, cách làm hay trong công tác CCHC tại cơ quan mình. 19 sáng kiến đang được áp dụng hiệu quả tại Sở, trong đó có một sáng kiến được công nhận có phạm vi ảnh hưởng cấp TP và 18 sáng kiến được công nhận có phạm vi ảnh hưởng cấp sở…

Đơn vị xếp hạng xuất sắc

Bộ Tư pháp vừa có quyết định xếp hạng các sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2019, Sở Tư pháp TP được xếp hạng A (xuất sắc).

Sở Tư pháp TP được Bộ Tư pháp tặng danh hiệu cờ thi đua ngành tư pháp do có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chuyên đề: Cơ quan tư pháp địa phương thi đua siết chặt kỷ cương, tăng cường đoàn kết, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao năm 2019. Cùng chuyên đề này, Bộ Tư pháp cũng tặng bằng khen của bộ trưởng Bộ Tư pháp cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM và ba cá nhân thuộc Sở Tư pháp TP.

UBND TP.HCM cũng công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cho 21 tập thể thuộc Sở Tư pháp đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019, góp phần tích cực trong phong trào thi đua của TP (trong đó có tập thể báo Pháp Luật TP.HCM). 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy