Sở phản bác Bộ về nguyên nhân cháy xe

“ĐH Bách khoa TP.HCM (ĐHBK) đã lấy những mẫu xăng bẩn để thử nghiệm. Bản thân việc lấy mẫu xăng bẩn để đưa ra quan điểm là đã sai quy định, trong khi đó những thử nghiệm của liên bộ được lấy từ nhiều mẫu xăng khác nhau”. Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ phó Vụ KH&CN, Bộ Công Thương, giải thích về việc bác kết quả kiểm nghiệm xăng dầu là nguyên nhân gây cháy xe của Sở KH&CN TP.HCM và ĐHBK (Pháp Luật TP.HCMngày 4-6).

Bộ Công Thương: Phương pháp của ĐHBK dễ gây hiểu lầm

Trao đổi riêng với Pháp Luật TP.HCM, ông Cường cho biết thêm: Đến nay Bộ Công Thương chưa nhận được báo cáo chính thức về kết quả kiểm nghiệm của ĐHBK. Tuy nhiên, theo quy trình kiểm nghiệm mà ĐH này tiến hành thì mẫu xăng kiểm tra không đạt tiêu chuẩn. Cụ thể, họ đã lấy một mẫu xăng ở đâu đó rồi pha thêm một tỉ lệ % methanol vào nhằm tạo ra xăng “bẩn”, đưa vào thử nghiệm để chứng minh đây là một trong những nguyên nhân gây ra cháy nổ xe.

“Xăng dầu là mặt hàng tiêu thụ đặc biệt, sản phẩm đưa ra thị trường phải đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo. Các sản phẩm xăng dầu sử dụng sai quy trình, không đạt chuẩn hiển nhiên sẽ gây ra tác hại đối với động cơ, trong đó có thể gây ra cháy nổ” - ông Cường lý giải.

Sở phản bác Bộ về nguyên nhân cháy xe ảnh 1

Sáng 8-6, xe khách 79M-1921 bất ngờ bốc cháy khi đang chạy trên quốc lộ 13. Ảnh: D.THANH

Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng kết quả thử nghiệm của ĐHBK không trái ngược với kết luận nguyên nhân gây cháy nổ xe mà các bộ Công Thương, Công an, GTVT, KH&CN đã công bố. Các phương pháp thử của ĐHBK chỉ để chứng minh thêm rằng: Nếu phương tiện nào không may sử dụng xăng “bẩn” đều có khả năng xảy ra cháy nổ động cơ. Đây là một trong những nguyên nhân nằm trong kết luận điều tra của Bộ Công an và KH&CN trước đây (bên cạnh các nguyên nhân khác như chập điện, vận hành xe không đúng cách,…). Ngoài ra, phương pháp điều tra của Bộ Công an và KH&CN đều lấy mẫu xăng từ các phương tiện bị cháy và một số mẫu lấy ngẫu nhiên ở các cây xăng nên tính chính xác cao hơn.

“Việc Sở KH&CN TP.HCM chủ động đặt hàng với ĐHBK thử nghiệm xăng dầu là điều đáng hoan nghênh, tuy nhiên phương pháp tiến hành dễ gây ra hiểu lầm với người tiêu dùng, quy kết xăng dầu là nguyên nhân gây cháy nổ xe” - ông Cường kết luận.

TP.HCM: Đây là nghiên cứu có cơ sở khoa học

Về vấn đề này, ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho biết: “Trước tình trạng cháy xe gây bất an cho người dân, chúng tôi được TP giao nhiệm vụ làm sáng tỏ nguyên nhân. Do không có điều kiện tiếp cận các xe bị cháy, chúng tôi nghiên cứu theo hướng giả định nếu xăng kém chất lượng thì nguy cơ cháy xe sẽ như thế nào, chứ không phải lấy mẫu xăng kém chất lượng để thử nghiệm và đưa ra kết luận. Đây là công trình nghiên cứu có cơ sở đàng hoàng, chính xác. Kết quả đưa ra được dựa trên những nghiên cứu và đo đạc thực tế chứ không phải chỉ phán đoán suông”.

Về phía nhóm nghiên cứu, TS Nguyễn Ngọc Dũng, phòng Thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong (ĐHBK TP.HCM), khẳng định: Trước khi bốn bộ công bố kết quả nguyên nhân gây cháy xe, nhóm nghiên cứu đã báo cáo với các cơ quan trung ương về kết quả nghiên cứu của nhóm. “Trường hợp có điểm nào chưa rõ, họ có thể yêu cầu chúng tôi giải trình thêm. Nhưng nhóm nghiên cứu không hề nhận được yêu cầu nào của các bộ, đến nay họ lại ra tuyên bố phủ nhận khiến tôi rất bất ngờ” - TS Dũng nói.

Ông Dũng giải thích thêm về phương pháp thử nghiệm: Nhóm xác định xe cháy là do nguyên liệu rò rỉ hoặc vật liệu dễ cháy gặp nguồn nhiệt đủ lớn. Từ đó, nhóm tập trung nghiên cứu về ảnh hưởng của xăng và của các yếu tố kỹ thuật dẫn đến nguy cơ cháy xe. Kết quả nghiên cứu cho thấy xăng pha methanol không tự cháy nổ khi không có nguồn nhiệt lớn. Yếu tố nhiên liệu dẫn điện để gây ra hiện tượng chập mạch cũng không xảy ra. Nhưng sự có mặt của methanol hay ethanol ở hàm lượng cao sẽ phá hủy hệ thống ống dẫn nhiên liệu hoặc tăng áp suất hơi gây rò rỉ xăng. Mặt khác, xăng pha methanol cũng làm cho nhiệt độ một số bộ phận của xe tăng cao hơn bình thường…

“Dù chỉ được tiếp cận thực tế một số vụ cháy nhưng dựa trên các cơ sở khoa học, nhóm đặt ra các giả thiết khả năng có thể xảy ra để thực nghiệm, phân tích trước khi đi đến kết luận về nguyên nhân cháy xe. Chúng tôi không khẳng định xăng là nguyên nhân chính gây cháy xe nhưng rõ ràng xăng không thể vô can” - TS Dũng khẳng định.

Xe khách bốc cháy, hơn 30 hành khách thoát nạn

Sáng 8-6, xe khách 50 chỗ 79M-1921 của hãng Chín Nghĩa bất ngờ bốc cháy khi đang chạy trên quốc lộ 13 (phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức, TP.HCM).

Chiếc xe do tài xế Nguyễn Cường (Quảng Ngãi) điều khiển, đang chạy hướng từ ngã tư Bình Phước về Bến xe Miền Đông. Khi cách ngã tư Bình Triệu (quận Thủ Đức) khoảng 100 m, xe phát ra tiếng nổ lớn, sau đó lửa và khói bốc lên nghi ngút ở phía đuôi xe. Rất may hơn 30 hành khách trên xe đều xuống đất an toàn. Tại hiện trường, phần đuôi xe bị cháy đen, dàn máy hư hỏng.

D.THANH

T.PHƯƠNG - V.HOA - M.PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm