Sở Nông nghiệp Đắk Lắk nói về vụ phá rừng đặc dụng Nam Kar

Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản phản hồi báo chí liên quan đến vụ phá rừng đặc dụng Nam Kar, do Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar quản lý.

Vì sao số liệu báo cáo chênh nhau?

Theo đó, sau khi báo chí phản ảnh việc phá rừng Nam Kar, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Krông Ana phối hợp với Đội đặc nhiệm Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm vùng 4, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 và Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka kiểm tra hiện trường.

Rừng đặc dụng Nam Kar bị tàn phá nghiêm trọng. Ảnh: H.TRƯỜNG

Qua đo đếm khối lượng gỗ còn lại hiện trường tại thời điểm kiểm tra (27-11) gồm 20,997 m3, trong đó gỗ tròn 12 lóng (14,963 m3); gỗ xẻ 22 tấm, hộp (6,034 m3) và 11 gốc (10 gốc còn mới, một gốc đã cũ, có đường kính từ 25 cm - 130 cm; chủng loại từ nhóm III đến nhóm VIII. 

Vị trí xảy ra khai thác gỗ trái phép được xác định thuộc các tiểu khu 1023, 1024, 1025 lâm phần do Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka và UBND xã Bình Hòa quản lý.

Cơ quan kiểm lâm kiểm tra hiện trường vụ phá rừng. Ảnh: H.TRƯỜNG

Trong khi đó, sau khi kiểm tra thực địa, xác định chính xác địa bàn nơi rừng đặc dụng Nam Kar bị khai thác gỗ trái phép, Công an huyện Krông Ana đã phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk, Viện kiểm sát cùng các đơn vị liên quan khám nghiệm hiện trường. Các cơ quan này xác định thiệt hại ban đầu là 41,267 m3 chủng loại nhóm III đến nhóm VIII, thuộc các tiểu khu 1023, 1024, 1025 nằm trên địa giới hành chính của xã Bình Hòa, huyện Krông Ana.

Lý giải về sự chênh nhau số gỗ còn lại ở hiện trường, Sở NN&PTNN cho hay kết quả đo đếm gỗ do Hạt Kiểm lâm huyện Krông Ana báo cáo là kết quả đo đếm gỗ của ngày kiểm tra sơ bộ ban đầu 26-11. Kết quả đo đếm gỗ do Công an huyện Krông Ana báo cáo là kết quả kiểm tra mở rộng hiện trường phá rừng ngày 27-11, trong đó phát hiện thêm có một số gỗ mới do các đối tượng bị công an huyện triệu tập, tạm giữ khai ra các điểm phá rừng mới lân cận.

“Tuy nhiên, trong quá trình thiết lập hồ sơ vi phạm hình sự, theo kết quả khám nghiệm hiện trường do Cơ quan cảnh sát Công an huyện Krông Ana phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện ngày 28-11-2019 thì hiện tại mới xác định được các tọa độ vị trí khu vực khai thác, 16 phách gỗ, 23 tấm bìa và 13 thân cây (có kích thước gốc khác nhau), chưa thể khẳng định được chính xác khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường.

Việc xác định tổng khối lượng gỗ bị khai thác thuộc các tiểu khu 1023,1024,1025 là 41,267 m phải được thực hiện qua giám định tư pháp mới có cơ sở để công bố”, đại diện Sở NN&PTNT nêu.

Nhiều tấm ván lớn được cưa xẻ ngang nhiên trong rừng. Ảnh: H.TRƯỜNG

Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Ana đã ban hành quyết định trưng cầu giám định gửi đến Chi cục Kiểm lâm để trưng cầu giám định các nội dung về khối lượng, chủng loại gỗ, vị trí khai thác, loại rừng... trong vụ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ và quản lý lâm sản nêu trên.

Ông Nguyễn Văn Nhật, khi trả lời PV cho rằng thường xuyên kiểm tra nhưng không phát hiện phá rừng. Ảnh: H.TRƯỜNG

Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm ban hành Quyết định số 406/QĐ-CCKL ngày 12-12-2019 cử hai công chức là giám định viên tư pháp thực hiện giám định vụ vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ và quản lý lâm sản tại Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Ana. Qua giám định sẽ kết luận được chính xác khối lượng, chủng loại gỗ và mức độ thiệt hại của gỗ bị khai thác trái pháp luật.

Sẽ xử lý nghiêm cá nhân, tập thể để xảy ra phá rừng

Qua vụ việc khai thác gỗ trái pháp luật xảy ra tại các tiểu khu 1023, 1024, 1025 thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka (huyện Lắk và UBND xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) quản lý nêu trên, Sở NN&PTNT xác định đây là vụ khai thác gỗ trái pháp luật có tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng.

Những cá nhân, tổ chức để xảy ra phá rừng sẽ bị xem xét xử lý nghiêm.

Trước tính chất phức tạp, nghiêm trọng của vụ việc, đơn vị này tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với công an trong công tác mở rộng điều tra hiện trường, khám nghiệm hiện trường và triển khai các công tác giám định để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định pháp luật.

Ngay sau khi có kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Ana, Sở NN&PTNT sẽ xem xét, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với các cá nhân, tập thể có liên quan.

Cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ vụ việc. Ảnh: H.TRƯỜNG

Đồng thời, Sở NN&PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo chỉ đạo Công an huyện Krông Ana tiếp tục phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Krông Ana, Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka và các cơ quan có liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, làm rõ đối tượng khai thác gỗ trái pháp luật xảy ra tại các tiểu khu tiểu khu 1023, 1024, 1025 thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka và UBND xã Bình Hòa quản lý.

Trước đó, PV PLO đã ghi nhận hiện trường vụ tàn phá rừng đặc dụng Nam Kar xảy ra ở khu vực tiểu khu 1023, 1024, 1025 thuộc quản lý của BQL rừng đặc dụng Nam Kar. Tại đây, PV phát hiện hàng loạt cây gỗ bị đốn hạ, nhiều phách gỗ khủng nằm ngổn ngang...

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.