Sở Giao thông nói về giờ cấm xe tải trên tuyến Võ Văn Kiệt

Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng loạt bài điều tra ““Làm luật” cho xe tải chạy vào giờ cấm ở TP.HCM”, có ý kiến cho rằng việc cấm lưu thông đối với xe tải nặng trên tuyến đường Võ Văn Kiệt như hiện nay là chưa hợp lý, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp.

Để rõ hơn về việc tổ chức giao thông và phân luồng giao thông tại tuyến đường này, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý, khai thác hạ tầng, Sở GTVT TP.HCM.

Cấm như hiện nay là hợp lý

. Phóng viên: Thưa ông, được biết trước đây xe tải nặng vẫn được lưu thông trên tuyến đường Võ Văn Kiệt nhưng hiện nay chỉ được phép hoạt động từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Tại sao có sự điều chỉnh này?

Ông Ngô Hải Đường

+ Ông Ngô Hải Đường (ảnh): Theo Quyết định 23/2018 của UBND TP.HCM thì xe tải nhẹ (xe có sức chở hàng hóa dưới 2,5 tấn, chưa kể trọng tải xe) không được phép lưu thông vào khu vực nội đô vào giờ cao điểm (6-9 giờ và 16-20 giờ).

Xe tải nặng (từ 2,5 tấn trở lên) thì hoàn toàn không được chạy vào ban ngày mà chỉ được hoạt động từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, trừ một số tuyến hành lang được quy định sẵn.

Riêng Võ Văn Kiệt là tuyến đường xuyên tâm, từ năm 2011 (khi tuyến đường này hoàn thành và đưa vào sử dụng) các loại xe tải được phép lưu thông ngoài giờ cao điểm.

Đến năm 2018, lưu lượng xe trên tuyến này tăng rất nhanh, nhất là đoạn từ cầu Lò Gốm đi về phía hầm Thủ Thiêm, gây ùn tắc giao thông. Do đó TP đã cho phép điều chỉnh cấm xe tải hoạt động trong giờ cao điểm trên toàn tuyến (trừ đoạn Hồ Học Lãm đi vào cảng Phú Định). riêng xe tải nặng hoạt động từ 22 giờ.

. Nhiều bạn đọc và tài xế cho rằng việc phân luồng giao thông chưa hợp lý, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp. Đã cấm là cấm hết, tại sao cho phép xe tải nặng chạy vào đoạn Hồ Học Lãm mà không cho chạy trên toàn tuyến? Quan điểm của Sở GTVT như thế nào?

+ Để UBND TP ban hành Quyết định 23, Sở GTVT đã phối hợp với Ban An toàn giao thông, Công an TP.HCM cùng một số địa phương có liên quan khảo sát thực tế và thấy rằng tổ chức giao thông như hiện nay tại tuyến Võ Văn Kiệt là hợp lý. Bởi năm 2012, khi tuyến đường này mới đi vào khai thác khoảng một năm thì lưu lượng ô tô/ngày đêm là hơn 14.500 xe. đến năm 2017 tăng lên gần 44.500 xe, năm 2018 là gần 50.000 xe. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đã hơn 51.000 xe lưu thông/ngày đêm.

Số liệu nêu trên cho thấy chỉ riêng lượng ô tô đã tăng rất mạnh và thực tế gây ùn ứ trên tuyến đường này. Do vậy, nếu không quy định giờ lưu thông của xe tải thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình giao thông của khu vực.

Còn tại sao không cấm xe tải nặng chạy ban ngày trên toàn tuyến, cũng theo Quyết định 23, TP.HCM có một đường vành đai bao quanh khu vực nội đô. Trên toàn tuyến vành đai này có một số tuyến đường hành lang có đặc thù như cảng, nhà máy, khu chế xuất, khu công nghiệp… thì xe tải nặng vẫn được lưu thông vào ban ngày, ngoài giờ cao điểm.

Cũng xin nói rõ là không phải tất cả loại xe tải đều bị cấm lưu thông. Do vậy, để không ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh thì các doanh nghiệp có thể sử dụng các xe tải nhẹ, được phép chạy ban ngày, ngoài giờ cao điểm. Còn ban đêm thì xe tải nặng vẫn được hoạt động theo khung giờ đã quy định.

Hàng loạt xe tải chạy vào giờ cấm trên đường Võ Văn Kiệt ngay trước mặt CSGT. Ảnh: PV

Sẽ tăng cường xử phạt qua hình ảnh camera

. Ngành giao thông cũng đã có những khảo sát và tính toán hợp lý về việc tổ chức giao thông trên tuyến đường Võ Văn Kiệt. Như vậy, vấn đề nằm ở khâu kiểm tra, phát hiện các xe vi phạm. Theo ông, tới đây cần giải pháp gì để chấm dứt tình trạng xe tải vô tư chạy trên tuyến đường này trong giờ cấm?

+ Đây cũng là vấn đề đang nằm trong kế hoạch thực hiện của ngành giao thông. Giải pháp tốt nhất là tăng cường phạt nguội qua hình ảnh trích xuất từ camera. Hiện nay ngành giao thông có 700 camera, đa phần là tại giao lộ của các tuyến đường trọng điểm. Trong đó có tuyến Võ Văn Kiệt.

Chúng tôi đang cùng với Công an TP xây dựng quy chế phối hợp để xử phạt các xe vi phạm qua hình ảnh. Sau khi hoàn thiện quy chế này, Sở GTVT phải xin ý kiến của Cục Đăng kiểm thuộc Bộ GTVT về việc sử dụng dữ liệu của xe phục vụ cho việc xử phạt.

Việc tăng cường phạt nguội qua hình ảnh và ứng dụng trí tuệ nhân tạo thay vì con người trực tiếp xử lý cũng sẽ hạn chế tiêu cực. Chẳng hạn, khi phát hiện xe vi phạm, từ biển số xe hệ thống sẽ tự động lấy dữ liệu từ Cục Đăng kiểm (như xe bao nhiêu tấn, bao nhiêu trục, được chạy giờ nào…). Sau đó dữ liệu sẽ được truyền về cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Dự kiến ngay trong năm 2019, chúng tôi sẽ phối hợp với ngành công an để triển khai xử phạt theo hình thức này.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm