Sinh viên bán móc khóa phải đóng trước 7 triệu đồng

Tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP Cần Thơ ngày 10-7, vào buổi chiều, các đại biểu bước vào phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với giám đốc Sở Công Thương.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương, trả lời chất vấn chiều 10-7. Ảnh: NN

Theo đó, một trong những câu hỏi giám đốc Sở Công Thương nhận được là: Trong thời gian qua, tình trạng bán hàng đa cấp, ngành chức năng quản lý, kiểm tra, chấn chỉnh nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp (DN) hoạt động không có địa chỉ DN cụ thể, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

Đề nghị giám đốc Sở Công Thương cho biết thực trạng này trên địa bàn TP như thế nào, có giải pháp gì để quản lý tốt đối với những doanh nghiệp này?

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết năm 2016 TP Cần Thơ có 37 DN bán hàng đa cấp, trong đó bảy DN có văn phòng tại Cần Thơ và 30 DN không có văn phòng tại Cần Thơ nhưng có mạng lưới hoạt động tại Cần Thơ.

Các DN bán hàng đa cấp là do Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương cấp giấy. Sau khi cấp giấy xong, họ muốn hoạt động ở tỉnh, thành nào thì họ phải về báo cáo Sở Công Thương của tỉnh, thành đó nhưng các DN này luồn lách, muốn sai nên về báo cáo nhưng không cho biết địa chỉ. Đây chính là cái khó trong khâu quản lý trong thời gian qua.

Việc theo dõi để quản lý, sau khi nắm, kiểm tra và phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh để nắm thì chúng ta nắm không chặt được vì có những DN báo cáo nhưng chúng ta đến không bao giờ tìm được địa chỉ. Một số DN làm không tốt nhưng cũng có một số DN làm tốt như Amway, Lô Hội. Còn lại một số làm chưa tốt.

“Những DN làm tốt thì khi mình tới kiểm tra họ đưa đầy đủ sản phẩm hàng hóa, giấy tờ chứng nhận và hồ sơ theo quy định của Bộ Công Thương và luật quy định. Còn DN không thực hiện đầy đủ như Thiên Ngọc Minh Uy, sau khi làm nhiều vấn đề sai, lừa gạt đã bị Bộ Công Thương rút giấy phép. Ước Mơ Việt thì chuyển về Hậu Giang. Sen Việt thì chỉ bán móc khóa thôi nhưng cũng bán đa cấp, yêu cầu sinh viên khi vào bán thì phải đóng trước 7 triệu đồng, hình thức lừa gạt, thuê nhà từ 50 triệu đến 100 triệu đồng để lòe, từ đó tạo điều kiện dụ dỗ người tham gia” - ông Toại nói.

Theo ông Toại, năm 2017, ngành công thương kiểm tra 10 đơn vị thì có sáu đơn vị đang hoạt động, bốn đơn vị ngưng hoạt động. Trong đó có hai đơn vị vi phạm, phạt 160 triệu đồng. Năm 2018, kiểm tra bảy đơn vị, một đơn vị vi phạm, phạt 140 triệu đồng.

“Chính phủ đã ra Nghị định 40/2018, quy định tương đối chặt chẽ hơn nghị định trước đây. Nghị định này quy định tất cả đơn vị bán hàng đa cấp khi về địa phương phải có địa chỉ cụ thể báo cáo với Sở Công Thương để Sở quản lý chặt chẽ. Đây là cơ sở để thời gian sắp tới, chúng ta sẽ có điều kiện quản lý chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực bán hàng đa cấp” - giám đốc Sở Công Thương cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm