Siết tín dụng bất động sản: Lộ bệnh mạn tính

Lý do, hiện nay họ kinh doanh dựa vào ba nguồn vốn chủ yếu: vốn tự có, vốn huy động (từ các chủ đầu tư thứ cấp) và vốn vay.

Nếu như ở các nước, doanh nghiệp (DN) bất động sản đều có tiềm lực tài chính mạnh thì ở Việt Nam, qua kết quả xử lý 36 sàn bất động sản lại thấy: Nguồn vốn tự có của đa số các chủ đầu tư thường nhỏ và yếu. Thời gian qua họ vẫn “hoành tráng” chỉ nhờ vào cách vẽ dự án và “bán nhà trên giấy” để huy động tiền rồi mới triển khai. Những đơn vị, cá nhân “đầu tư” cho họ chủ yếu xài vốn vay, “lướt” nhanh nên khi chính sách “siết” tín dụng bất động sản ra đời, tức khắc họ “kêu cứu”.

Một “đại gia” có nhiều dự án ở phía tây Hà Nội hôm qua đã phải chính thức thừa nhận: “Bây giờ DN nào bắt đầu triển khai hạ tầng coi như thua vì thời điểm này không thể vay hàng trăm tỉ để làm. Bên cạnh đó, giá vật liệu tăng, sức ép cạnh tranh từ các dự án đã xong hạ tầng, nếu cố làm sẽ vẫn thất bại”. Trước đấy, trên thị trường còn xuất hiện hiện tượng chưa từng có là... khuyến mãi, hạ giá và hỗ trợ vốn dài hạn cho người mua nhà...

Điều đó cho thấy nhiều chủ đầu tư đang tìm cách thoát nhanh khỏi thị trường, bởi đơn giản tiềm lực thực sự quá yếu. Điều đó càng củng cố “chẩn đoán” của Thanh tra Bộ Xây dựng hồi đầu năm 2011, rằng một số chủ đầu tư hoạt động chủ yếu nhờ khai khống vốn chủ sở hữu; kinh doanh khi không đủ điều kiện như chung cư bán khi chưa hoàn thành móng, bán biệt thự khi chưa hoàn thành xây thô; huy động vốn vượt quá 70% tổng vốn đầu tư...

Như vậy, nếu tin chắc vào “chẩn đoán” này thì điều cần làm là hết sức bình tĩnh trước những lời “kêu cứu”, mạnh dạn cắt bỏ những “tế bào” hư. Thông qua việc tháo chạy đó sẽ lộ rõ những đơn vị thiếu tiềm lực, thiếu chiến lược, chỉ quen làm ăn chụp giật hoặc dựa dẫm vào “quan hệ” để mua bán dự án. Nhà nước chỉ nên hỗ trợ những đơn vị làm dự án cho người thu nhập thấp, người nghèo, đối tượng chính sách...

Còn các dự án của thị trường để thị trường tự điều chỉnh!

BẰNG LĨNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm