Siết 5K để bước qua đại dịch

Ngày 16-6, tình hình dịch COVID-19 tại một số tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên vẫn diễn biến theo chiều hướng phức tạp.

Đồng Nai hỏa tốc cho công nhân ăn ở tại công ty để phòng dịch

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản hỏa tốc thống nhất chủ trương theo đề nghị của Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai về việc thực hiện phương án cho ba doanh nghiệp (DN) được bố trí người lao động (NLĐ) làm việc, ăn ở, tạm lưu trú tại DN. Việc thực hiện này nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh và phòng chống dịch COVID-19 trong DN.

Ba DN này gồm Công ty TNHH Sơn Ocean Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành, huyện Long Thành), Công ty TNHH Dược phẩm Shinpoong Daewoo (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) và Công ty cổ phần GreenFeed Chi nhánh Đồng Nai (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom).

Cán bộ y tế thị xã Tân Uyên lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, Bình Dương. Ảnh: LÊ ÁNH

UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh việc bố trí NLĐ làm việc và tạm lưu trú tại DN phải có sự thỏa thuận thống nhất giữa DN với công đoàn đơn vị và NLĐ. Các điều kiện về ăn ở tại nơi lưu trú phải đảm bảo an toàn, các điều kiện tối thiểu phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần cho NLĐ.

Số lượng NLĐ được bố trí tại một điểm phải phù hợp với không gian, tránh bố trí quá đông công nhân, NLĐ tại một điểm.

“Các DN phối hợp với ngành y tế tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với NLĐ và khi có kết quả âm tính thì mới bố trí tạm lưu trú tại DN. Chi phí xét nghiệm do DN chi trả” - UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị.

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai khuyến cáo các DN nên yêu cầu công nhân, NLĐ, kể cả chuyên gia nước ngoài đang thường trú hoặc tạm trú tại các tỉnh, TP đang có dịch bệnh như TP.HCM, Bình Dương… sắp xếp thuê nhà hoặc tạm lưu trú tại địa bàn tỉnh, hạn chế tối đa đi lại hằng ngày từ vùng có dịch nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong công ty, xí nghiệp.

Áp dụng Chỉ thị 16 tại một số địa bàn

Còn tại Bình Dương, sau khi ghi nhận 12 ca dương tính với COVID-19 tại thị xã Tân Uyên trong ngày 15-6, chính quyền thị xã Tân Uyên đã triển khai lực lượng khoanh vùng dập dịch.

Cụ thể, UBND thị xã Tân Uyên đã có công văn chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm theo Chỉ thị 15 đối với toàn thị xã, riêng ba phường Thái Hòa, Tân Phước Khánh và Tân Vĩnh Hiệp áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Toàn bộ cửa ngõ ra vào ba phường này đã được chính quyền địa phương phong tỏa từ 0 giờ ngày 16-6. Đây cũng là ba phường có số lượng lớn người dân sinh sống, đặc biệt là công nhân. Việc phong tỏa để khoanh vùng dập dịch cũng ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của người dân.

Được biết 12 ca dương tính này đều là F1 của chủ quầy trà sữa Cô chủ nhỏ trên đường Đồng Cây Viết (phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một), người này sinh sống tại khu phố Khánh Hội, phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên. Vợ chủ quầy trà sữa là nhân viên điều dưỡng tại Phòng khám đa khoa Châu Thành cũng đã nhiễm COVID-19.

Liên quan đến chùm ca bệnh này, đến nay lực lượng chức năng đã truy vết được 220 người F1, khoảng 700 người F2. 

Ngoài thị xã Tân Uyên, một số địa phương khác như TP Dĩ An, TP Thuận An cũng có khu vực bị phong tỏa do liên quan đến các ca dương tính với COVID-19.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, tỉnh đã quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thực hiện theo hướng dẫn 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nơi làm việc, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết.

“Xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm đối với người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để xảy ra tụ tập đông người” - lãnh đạo tỉnh cho hay, đồng thời giao trách nhiệm cho từng sở, ban ngành, tùy theo nhiệm vụ của đơn vị mình tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, công an tỉnh phối hợp với các ngành có liên quan đã lập chốt tại cửa ngõ vào tỉnh Bình Dương tại ba tuyến đường huyết mạch là quốc lộ 13 (hướng từ TP.HCM về Bình Dương), đường Mỹ Phước - Tân Vạn (hướng từ Đồng Nai về Bình Dương), quốc lộ 1K (hướng từ TP.HCM về Bình Dương).

Ngoài các trạm trên, các địa phương cũng thành lập các trạm, chốt kiểm soát dịch bệnh tại các tuyến giao thông như ngõ, hẻm giáp ranh với các tỉnh, TP đang có dịch lây nhiễm. Riêng thị xã Tân Uyên đã triển khai 12 chốt kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 gồm tám chốt trên đường bộ và bốn chốt tại các bến đò chở khách ngang sông.

Trước đó, từ ngày 2-6, TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, TP Dĩ An, thị xã Tân Uyên, thị xã Bến Cát và một số xã, thị trấn của huyện Bàu Bàng có khu công nghiệp đã triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch.

Bình Dương hiện ghi nhận 25 ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát. Cụ thể, ba trường hợp tại phường Bình Chuẩn (TP Thuận An), năm trường hợp tại Công ty SX-TM Phúc Đạt (TP Dĩ An), ba trường hợp tại chung cư Ehome 4 (phường Vĩnh Phú, TP Thuận An) và 14 trường hợp tại phường Tân Phước Khánh và Tân Vĩnh Hiệp (thị xã Tân Uyên). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm