Sẽ xây lại các công trình dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè?

Sáng 9-5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều lãnh đạo TP đã đi khảo sát khu nhà dọc theo hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận 3).
Đây là buổi khảo sát để trao đổi và đề xuất các ý tưởng quy hoạch xây dựng lại các công trình dọc theo bờ kênh, từ đó làm mô hình tái cơ cấu quy hoạch và cơ cấu xây dựng của các quận nội thành.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khảo sát khu nhà dọc hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: TÁ LÂM

Sau khi khảo sát xong, ông Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với Quận ủy, UBND quận 3 cùng các đơn vị, nhà đầu tư để nghe về một số dự án chỉnh trang đô thị tại quận.

40.000 dân bị ảnh hưởng

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND quận 3 Trần Thanh Bình đã báo cáo ý tưởng quy hoạch xây dựng lại các công trình dọc theo bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc địa bàn quận.
Theo đó, khu vực nghiên cứu gồm một phần các phường 7, 9, 10, 11, 13, 14 và khu ga Hòa Hưng kết hợp với khu depot hiện hữu. Tổng diện tích là 110ha, trong đó khu vực trực tiếp bị ảnh hưởng gần 85ha với 40.000 dân.
Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, dự án sẽ lấy đầu mối giao thông là động lực phát triển, những chức năng khác sẽ được bố trí dọc bờ kênh. Điểm đến cộng đồng sẽ là những quảng trường, nhà hàng cafe… dọc tuyến cảnh quan ven kênh. Đối với những công trình tôn giáo được mở rộng và bảo tồn tạo nên nét đặc trưng văn hóa lịch sử của từng khu vực.
Với ý tưởng “vùng thẩm thấu đô thị”, các không gian mở dọc kênh sẽ được phát triển với định hướng sinh thái, thân thiện môi trường. Đặc biệt, trong việc kiểm soát và tái sử dụng nguồn nước mưa.
Theo đơn vị tư vấn, dự án này hướng đến 3 mục tiêu chính quan trọng trong việc chỉnh trang và phát triển đô thị: khai thác sử dụng đất một cách hiệu quả; phát triển đầu mối giao thông công cộng như metro, đường sắt, hệ thống xe buýt...; đáp ứng nhu cầu tái định cư tại chỗ 100%, giải quyết dân số phát sinh bằng hình thức đô thị nén.
Trước đồ án này, nhiều ý kiến đánh giá cao ý tưởng quy hoạch chỉnh trang đô thị các khu đất dọc hai bên kênh Nhiêu Lộc để tạo cảnh quan cho khu vực. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần xem xét, nghiên cứu kỹ hơn định hướng quy hoạch khu vực dọc kênh Nhiêu Lộc.
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã đề nghị bổ sung yếu tố cảnh quan, sông nước nội đô, nhất là tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào đồ án quy hoạch. Đồng thời, nghiên cứu rộng hơn vùng ảnh hưởng và những tác động trên địa bàn quận và TP. Nghiên cứu kết nối giao thông và việc sử dụng không gian ngầm.
Ông Trương Trung Kiên, Trưởng Ban đô thị HĐND TP.HCM, cho rằng mục tiêu chỉnh trang là nhằm nâng cao đời sống của người dân đang ở tại khu vực đó. Những con đường ngoằn nghèo, hẻm nhỏ chật chội sẽ được nắn thẳng, cải tạo lại rộng rãi, giao thông thuận tiện hơn. Nhưng đồ án cho thấy dọc kênh Nhiêu Lộc mới chỉ có các dự án biệt thự cao cấp, nhà cao tầng mà chưa thấy rõ phần diện tích để tái định cư cho người dân quay lại ở.
“Nếu để người dân tái định cư trên đất cao tầng thì chỉ một số ít đồng ý ở lại, còn đa số sẽ chọn phương án nhận tiền đi chỗ khác. Khi đó nguồn kinh phí làm dự án tăng cao, khó thu hút nhà đầu tư” – ông Kiên nói.
Từ đó, ông Kiên cho rằng để người dân nhìn thấy được lợi ích, đồ án cần làm rõ bao nhiêu người dân sẽ được ở những khu thấp tầng, khu vực đường ngay ngắn, có lề đường, cây xanh. “Nếu không tính toán cụ thể chúng ta sẽ dễ rơi vào tình trạng như một số dự án trước đây vẽ rất đẹp nhưng khó thực hiện", ông Kiên nói.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TÁ LÂM

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, cho biết hiện nay TP.HCM có nhiều áp lực, trong đó có vấn đề dân số, cứ 5 năm dân số TP tăng thêm 1 triệu người. TP.HCM là đô thị vào loại lớn nhất cả nước, nhưng nhà kiên cố chỉ có 38% và hơn 60% là nhà bán kiên cố. Ông cho rằng đây là điều đáng suy nghĩ nên bên cạnh phát triển thêm nhà ở thì phải nâng chất lượng nhà cho người dân có sẵn.

Ông Nhân cũng chỉ ra một áp lực khác về thu ngân sách ngày càng tăng. “Thu ngân sách không có công nghiệp thì phải thu dịch vụ, trong khi đó để thu dịch vụ phải có đất làm trường học, nhà hàng, khách sạn, bệnh viện… nhưng hiện nay đất không còn” – ông Nhân nói và cho rằng cần phải tái cơ cấu lại quỹ nhà đất của quận để người dân ở tốt hơn nhưng phải dư ra quỹ đất mới để làm dịch vụ.
Theo ông Nhân, giao thông của quận 3 không chỉ phục vụ cho quận mà phải phục vụ cho toàn TP nên cần nghiên cứu quy hoạch quỹ đất và triển khai thực hiện các dự án liên quan. “Quận 3 phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở cho người dân di cư, đất dành cho các công trình dịch vụ của TP đặt trên địa bàn quận. Đối với các di tích lịch sử, quận phải giữ và tôn tạo, giữ lại hệ thống kênh rạch” – ông Nhân nói.
Với đồ án quy hoạch mà đơn vị tư vấn đưa ra, ông Nhân đề nghị quận 3 cần có cách tiếp cận để làm từng bước tránh sự biến động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm