Sẽ trình Quốc hội quyết cơ chế đặc thù mới cho Cần Thơ

Chiều 21-12, tại phiên họp thứ sáu (đợt 2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục cho ý kiến về dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.

Khi cho ý kiến tại đợt 1, UBTVQH đã đề nghị cơ quan trình tiếp tục hoàn thiện hồ sơ về hai nội dung mới còn ý kiến khác nhau là dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.

Sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi tăng thu nhập cho cán bộ

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho hay Chính phủ đề xuất sáu cơ chế, chính sách đặc thù cho Cần Thơ. Riêng về quản lý tài chính - ngân sách, Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại, với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.

Ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh phí, lệ phí theo quy định để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác…

HĐND TP được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo hiệu quả công việc với mức không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của TP do HĐND quy định.

HĐND TP Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Hai cơ chế mới

Tại tờ trình bổ sung, Chính phủ đề xuất các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, bảo đảm cho tàu có từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng và có quy mô vốn từ 500 tỉ đồng trở lên được ưu đãi, hỗ trợ một số chính sách.

Cụ thể, được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm đối với thu nhập từ các hoạt động dự án đầu tư. Cạnh đó là chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp bốn năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo đối với thu nhập từ các hoạt động dự án đầu tư. Dự án này còn được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước sau thời gian được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của thời gian xây dựng cơ bản trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại.

Về trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, Chính phủ đề xuất đây là khu vực có ranh giới xác định, được Thủ tướng thành lập để thu hút các dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản.

Các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan; dự án đầu tư tại trung tâm được hưởng ưu đãi về thuế, thuê đất...

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải cho biết UBTVQH thống nhất trình QH tại kỳ họp bất thường theo trình tự rút gọn, cho phép Cần Thơ được thí điểm sáu cơ chế, chính sách đặc thù.

Tuy nhiên, Chính phủ cần hoàn thiện một số nội dung trước khi trình QH. Trong đó cần hoàn thiện sáu nhóm chính sách về các quy định áp dụng pháp luật, hiệu lực thi hành nghị quyết... Riêng cơ chế về tiền lương cần lưu ý việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi thu nhập tăng thêm chỉ được thực hiện khi Cần Thơ cân đối được ngân sách.

Ngừng giãn cách xã hội: Khiếu nại, tố cáo gia tăng

Sáng 21-12, tiếp tục chương trình phiên họp thứ sáu (đợt 2), UBTVQH xem xét báo cáo công tác Dân nguyện tháng 11 của QH. Một trong những vấn đề được cho ý kiến là tình hình và kết quả tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, tình hình khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước có chiều hướng gia tăng khi các địa phương thực hiện các biện pháp thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Qua rà soát, cơ quan hành chính các cấp đã lập danh sách 1.003 vụ việc để rà soát và đến nay đã thực hiện rà soát xong 891 vụ việc, đạt tỉ lệ gần 89%. “Trong các vụ tồn đọng, phức tạp, kéo dài, có những vụ Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rồi nhưng tỉnh, TP vẫn chưa giải quyết được. Với những vụ này, khi tăng cường giám sát thì chắc chắn sẽ giải quyết dứt điểm” - Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm