Sẽ tổ chức mua rác để tái chế

“Những hoạt động trước và trong ngày hội mới chỉ là cú hích khởi động cho một chương trình mang tính dài hơi về 3T”. TS Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ Tái chế chất thải TP, nói về Ngày hội tái chế chất thải TP.HCM năm 2011 diễn ra ngày 17-4. Mục tiêu của ngày hội là khuyến khích mọi người cùng tham gia tiết giảm, tái sử dụng và tái chế chất thải (gọi tắt là 3T).

Tại ngày hội năm nay, hai gian hàng đổi chất thải nguy hại như pin, bóng đèn, ắc quy… lấy quà (dầu gội đầu, xà bông, nước rửa chén, bánh...) và trao đổi đồ dùng, vật dụng cũ thu hút rất nhiều   bạn trẻ tham gia. Bạn Đào Duy Long, sinh viên ĐH Sài Gòn, “gom góp” được gần 10 bóng đèn compact mang đến đổi được bốn lon nước ngọt, sáu cuộn giấy và hai bịch bánh. Long hồ hởi cho biết: “Mỗi lần được nhờ thay bóng đèn hư trong các phòng trọ, mình đều mang về cất gọn để dành mang đổi lấy quà. Nhờ đó mình vừa không thải chất thải nguy hại ra môi trường, vừa có quà mang về”.

Sẽ tổ chức mua rác để tái chế ảnh 1

Các bạn nhỏ Trường Tiểu học Bình Hưng Hòa 1 (quận Bình Tân) rủ nhau đem các loại chất thải đến ngày hội đổi quà. Ảnh: HTD

Trong khi người lớn hào hứng với việc đổi rác lấy quà, những đứa trẻ lại bị cuốn hút vào khu trưng bày các sản phẩm làm từ… rác. Tại đây, các em được ngắm, sờ thỏa thích “xe tăng khủng”, “trụ bóng rổ bằng lon bia”, “bệnh viện bằng hộp sữa”… “Em rất thích những đồ chơi này vì chúng ngộ nghĩnh. Em thích nhất là cái nhà làm bằng hộp giấy. Về nhà em sẽ không vứt giấy vào sọt rác mà để dành để làm một cái nhà giống như vầy” - một cô bé nói.

Từ thành công của ngày hội, các cơ quan liên quan đang xúc tiến tổ chức thu gom các loại chất thải độc hại một cách quy mô, bài bản. Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN&MT, dự kiến các điểm thu gom rác thải nguy hại sẽ được đặt tại trụ sở các quận đoàn.

Cạnh đó, Quỹ Tái chế chất thải TP, Sở TN&MT dự kiến phối hợp với Liên đoàn Lao động TP và Ban Quản lý khu chế xuất-khu công nghiệp TP tổ chức những điểm thu mua chất thải có thể tái chế trong các khu nhà trọ công nhân. Theo đó, người dân thay vì bán rác có thể tái chế cho “ve chai” như hiện nay có thể đem bán lại cho các điểm thu mua để tái chế và tái sử dụng. “Với việc tổ chức hệ thống thu mua này, người lao động có lợi ích nhất định nên sẽ tích cực thực hiện” - Tiến sĩ Lê Văn Khoa tin tưởng.

ĐÌNH VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm