Sẽ thu hồi tài sản công nếu sử dụng không hợp lý

Ngày 3-10, ĐBQH Nguyễn Phước Lộc - Đoàn ĐBQH TP.HCM, đơn vị số 3 đã thông tin với bà con cử tri quận Bình Tân (TP.HCM) nội dung trên trong buổi tiếp xúc cử tri (TXCT) trước kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV.

Cử tri Lê Kim Du (phường Bình Trị Đông B) chia sẻ ý kiến với ĐBQH Phan Thị Bình Thuận. Ảnh: THANH TÚ

Tại đây, nhiều cử tri vẫn không ngừng bức xúc về quốc nạn tham nhũng, tình hình nợ công tăng cao. Cử tri Lê Kim Du (phường Bình Trị Đông B) ý kiến tình hình chống tham nhũng đang không như mong muốn, kiến nghị trung ương kiểm tra để xử lý nghiêm minh, khai trừ họ ra khỏi Đảng; đồng thời đưa mức phạt tử hình vào Bộ luật Hình sự để tăng tính răn đe cho những ai dám tham nhũng. Ông Du cũng bày tỏ lo lắng về nạn tiêu cực tại tòa án, nạn “lót tay”, chạy án, cố tình xử sai….

Trước thắc mắc của cử tri, ĐB Nguyễn Phước Lộc cho biết để giảm bội chi NS, giảm nợ công thì Chính phủ đã trình QH nhiều giải pháp và sẽ tiến hành giám sát vào cuối năm 2016. Cụ thể: Đề ra chương trình tăng cường chống thất thu, chống chuyển giá, giảm nợ thuế, kiểm soát chi tiêu, tiết kiệm hiệu quả; đảm bảo cân đối thu chi NS nhà nước, quản lý thu đầy đủ; tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công, tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế… Trong đó có chỉ đạo xây dựng tự chủ tài chính theo hướng xã hội hóa; đối với các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ tự chủ về chi phí để kiểm soát nợ công.

“Đặc biệt, phải quản lý chặt chẽ tài sản công, nơi nào sử dụng tài sản không phù hợp sẽ có quyết định thu hồi” - ĐB Lộc nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Phước Lộc cho biết Chính phủ đã trình QH nhiều giải pháp chống tham nhũng, giảm bội chi NS, nợ công. Ảnh: THANH TÚ

Đối với vấn đề chống tham nhũng, Chính phủ cũng đã báo cáo với QH và đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó khẩn trường xâu dựng và trình QH ban hành Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), tăng cường phát hiện vụ án tham nhũng, khen thưởng kịp thời và bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng.

Riêng ý kiến của cử tri về việc thông qua Luật Biểu tình, ĐB Nguyễn Phước Lộc cũng cho biết Luật Biểu tình chuẩn bị chưa xong nên Ủy ban Thường vụ QH chưa cho phép thông qua, chưa trình kỳ họp này. 

Kỳ họp thứ 2, QH khóa XIV dự kiến diễn ra khoảng 24 ngày, từ ngày 20-10 đến ngày 22-11.

Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét thông qua bốn dự án luật và một dự thảo nghị quyết gồm: Luật về hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, QH sẽ cho ý kiến đối với 14 dự án luật: Luật Công an xã; Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật Thủy lợi; Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Luật Du lịch (sửa đổi); Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Quy hoạch.

QH cũng dự kiến thảo luận về các vấn đề kinh tế-xã hội và giám sát một số nội dung quan trọng, trong đó có báo cáo về tình hình biển Đông sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, đối sách của Việt Nam trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm