Sẽ tập trung chất vấn về Formosa, vụ Đồng Tâm...

Như thông lệ, phiên chất vấn ở mỗi kỳ họp Quốc hội sẽ luôn sôi động và hấp dẫn. Từ ngày 13 đến 15-6, bốn tư lệnh ngành nông nghiệp, y tế, kế hoạch, văn hóa sẽ được Quốc hội tiến hành chất vấn.

Nhiều đại biểu (ĐB) đã sẵn sàng cho phiên chất vấn này. Tuy nhiên, cũng có một số ĐB quyết định giữ bí mật câu hỏi đến phút chót.

Formosa và môi trường biển

“Tôi sẽ chất vấn hai câu” - ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói và coi đó là hai vấn đề quan trọng. “Đó là câu hỏi về Formosa và khai thác cát. Bởi lẽ việc quy hoạch, cấp giấy phép khai thác cát dồn dập đang là một vấn nạn ở rất nhiều nơi. Cát lậu thì rõ ràng là do vấn đề quản lý. Nhưng còn việc khai thác được cấp phép thì phải xem xét việc cấp phép có đúng hay không” - ĐB Nghĩa giải thích.

Đối với vấn đề Formosa, ĐB Nghĩa cho hay sẽ tập trung vào việc công ty này đã sửa chữa, khắc phục các lỗi vi phạm xong chưa. Tuy vậy, theo ông, đó không phải là vấn đề căn bản nhất. “Tôi muốn chất vấn và đặc biệt quan tâm đến môi trường biển. Môi trường biển đã khôi phục được chưa hay khôi phục được bao nhiêu. Dĩ nhiên bên cạnh đó là vấn đề bồi thường cho ngư dân bị ảnh hưởng” - ĐB Nghĩa khẳng định.

Chung mối quan tâm, ĐB Phan Thị Bình Thuận (TP.HCM) nói sẽ đề cập đến vấn đề này khi chất vấn về giám sát đầu tư công. “Việc xả thải ra biển của Formosa gây ô nhiễm cho bốn tỉnh miền Trung, việc không phát hiện, xử lý những sai phạm kịp thời để ngăn chặn thiệt hại như ở các dự án kém hiệu quả là những vấn đề lớn” - ĐB Phan Thị Bình Thuận cho hay.

Là ĐB của Quảng Bình, một trong bốn tỉnh bị thiệt hại do Formosa xả thải hồi đầu quý II-2016, ông Nguyễn Ngọc Phương cũng quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường biển. “Tôi sẽ chất vấn về những giải pháp làm sạch môi trường biển để thúc đẩy kinh tế-xã hội của miền Trung, đặc biệt là ngành du lịch” - ĐB Phương nói.

 

Ai cấp phép quốc ca?

Đó cũng là một trong những nội dung được các ĐB quan tâm. ĐB Trương Trọng Nghĩa khẳng định: “Với bốn bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn, nếu có hỏi, tôi sẽ hỏi Bộ VH-TT&DL về vấn đề quản lý và cấp phép bài hát đã thu hút dư luận trong thời gian vừa qua”.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho hay ông đã gửi văn bản chất vấn cho bộ trưởng Bộ VH-TT&DL. “Quản lý văn hóa trong giai đoạn hiện nay như thế nào cũng là vấn đề rất lớn. Ngoài chuyện cấp phép các bài hát, thậm chí cấp phép cho cả quốc ca thì còn có những việc như ra văn bản đòi xử lý người có phát ngôn về Sơn Trà…” - ông Nhưỡng nói.

ĐB này cũng cho biết đã gửi văn bản chất vấn cho tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) và bộ trưởng Bộ Công an. Với tổng TTCP, ông sẽ tiếp tục chất vấn về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. “Theo tôi biết thì tổng TTCP chưa tiếp dân lần nào!” - ĐB Nhưỡng nói. Với bộ trưởng Bộ Công an, ông Nhưỡng cho hay sẽ hỏi về việc xử lý trách nhiệm của những người có thẩm quyền khi để xảy ra việc hàng chục cảnh sát cơ động bị người dân bắt giữ ở Đồng Tâm.

Bí mật đến phút chót

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), người đã có bài phát biểu lay động nghị trường ngày 9-6 khi đề cập đến bài ca được mùa mất giá không ai cấp phép nhưng cứ được ca hoài, chia sẻ với PV: “Tôi sẽ bí mật câu chất vấn đến phút chót”.

Tuy vậy, ông Cương cũng cho hay ông sẽ tập trung vào những tiêu cực, bức xúc liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ trưởng đăng đàn kỳ này. “Ngành nào chẳng có tiêu cực. Vậy trách nhiệm quản lý nhà nước đến đâu?” - ĐB Cương nói.

Trong khi đó, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre), người đã nêu sáu bất an khiến nhân dân bức xúc, khái quát hiện tình của xã hội, cho biết các ĐB khác đã gửi chất vấn rồi nên ông không gửi nữa. “Chủ yếu là tùy cơ ứng biến và phần trả lời của các bộ trưởng. Tôi sẽ ứng biến tại chỗ” - ĐB Phong cho hay.

Hai vấn đề lớn trong đầu tư công

Có thể thấy đầu tư công trong thời gian qua rất được người dân, cử tri cả nước quan tâm vì vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đặc biệt, nó liên quan trực tiếp đến việc sử dụng ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân, vay nợ nước ngoài và nợ công.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế gây bức xúc trong nhân dân như chậm triển khai, thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, sai phạm và chất lượng... xảy ra ở hầu hết các khâu.

Tôi muốn đề cập đến hai khía cạnh quan trọng. Đó là tiến độ thực hiện và giám sát các dự án đầu tư công.

Nhiều dự án đầu tư công không đảm bảo tiến độ đề ra. Đơn cử như dự án sân bay Long Thành mà Quốc hội vừa phê bình Chính phủ. Việc này đã gây ra nhiều hệ lụy như việc đội vốn, chi phí đầu tư tăng lên nhiều so với dự toán, sự bất ổn trong đời sống của người dân ở những khu vực phải di dời, bồi thường đất để phục vụ cho dự án.

Giám sát đầu tư công là một trong những nội dung rất quan trọng như được khẳng định trong Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, việc giám sát thời gian qua vẫn chưa phát huy được vai trò và hiệu quả. Hàng loạt dự án chậm tiến độ, sai sót, vi phạm, không đảm bảo hoặc kém chất lượng, hoàn thành nhưng không thể khai thác, sử dụng hoặc bị hư hỏng phải sửa chữa đã minh chứng điều này.

Thế nhưng việc xử lý những sai sót, vi phạm trên chưa nghiêm và quyết liệt, đặc biệt là chưa có giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này.

Do đó, tôi đề nghị phải xử lý nghiêm những trường hợp để xảy ra việc chậm tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt là trách nhiệm của chủ đầu tư; đề cao và phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp và cộng đồng dân cư, của Kiểm toán Nhà nước đối với các dự án đầu tư công quan trọng.

Đồng thời thiết lập và vận hành hệ thống giám sát hiệu quả, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình thông qua giám sát các dự án ngay từ đầu.

ĐB PHAN THỊ BÌNH THUẬN (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy