Sẽ sửa quy định về các chứng chỉ liên quan đến viên chức

Chiều 19-3, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin cho báo chí. Nhiều câu hỏi liên quan đến trường hợp bổ nhiệm bà Trần Huyền Trang, con gái bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, làm phó giám đốc Sở KH&ĐT khi mới 31 tuổi và tình trạng loạn văn bằng, chứng chỉ đã được nêu ra.

Bộ Nội vụ trả lời báo chí chiều 19-3. Ảnh: TN

Sẽ làm rõ tiêu chuẩn giám đốc, phó giám đốc sở

Về trường hợp tỉnh Vĩnh Phúc bổ nhiệm phó giám đốc Sở KH&ĐT là con gái bí thư Tỉnh ủy khi mới 31 tuổi, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức Trương Hải Long cho hay theo quy định của Đảng và pháp luật hiện hành về công tác cán bộ, chức danh phó giám đốc sở thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND cấp tỉnh.

“Việc bổ nhiệm phải bảo đảm đúng các quy định của Đảng, Chính phủ và quy định của địa phương về công tác cán bộ” - ông Long nói.

Cụ thể, về tiêu chuẩn, theo ông Long, Bộ Chính trị có Quy định 89 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá đối với các chức danh lãnh đạo quản lý các cấp. Theo đó, tiêu chuẩn chung gồm tiêu chuẩn về chuyên môn, chính trị, trình độ quản lý nhà nước và tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học phù hợp.

Quy định 89 cũng giao tỉnh ủy, thành ủy quy định cụ thể tiêu chuẩn các chức danh do cơ quan này quản lý nhưng không được thấp hơn quy định chung của Đảng và Chính phủ.

“Các bộ, ngành, địa phương được quyền quy định tiêu chuẩn cao hơn. Khi áp dụng, họ phải thực hiện theo đúng quy định của mình, không thể viện lý do vì quy định chung không có nên không thực hiện” - vẫn lời ông Long.

Ông Long thông tin thêm: Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ và các cơ quan có thẩm quyền của Đảng (Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo) liên quan đến công tác bổ nhiệm cán bộ thuộc trường hợp Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trong văn bản này có báo cáo liên quan đến trường hợp bà Trần Huyền Trang.

“Vụ Công chức, viên chức đã làm việc với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, đề nghị rà soát, báo cáo các trường hợp tương tự ở Vĩnh Phúc. Bộ Nội vụ sẽ kiểm tra, đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền và thông tin cho báo chí sau” - ông Long nói.

Giải đáp thêm sau đó, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết bộ trưởng Nội vụ đã ban hành quy định về vị trí việc làm các cơ quan hành chính của các tỉnh. Nghị định 62 của Chính phủ phân cấp lại cho các địa phương có thể điều chỉnh tiêu chuẩn đó.

“Đề nghị Vụ Công chức, viên chức, Thanh tra bộ trao đổi thêm với Vĩnh Phúc xem vị trí việc làm, tiêu chuẩn cụ thể giám đốc, phó giám đốc sở yêu cầu ngạch công chức tối thiểu là gì. Nếu chưa có quy định cụ thể của địa phương thì phải căn cứ theo quyết định của bộ trưởng Nội vụ” - ông Thăng nói.

Chứng chỉ nghề nghiệp: Rắc rối do thiếu quy định chuyển tiếp

Cũng tại cuộc họp báo, báo chí nêu nhiều câu hỏi liên quan đến những bất cập trong việc yêu cầu các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó có giáo viên.

“Sáng 19-3, Thủ tướng vừa chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành sửa Nghị định 101 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định khác có liên quan đến các chứng chỉ thăng hạng viên chức, trong đó có giáo viên. Vậy việc sửa đổi nghị định này sẽ được thực hiện ra sao, theo hướng nào?” - báo chí hỏi.

Trả lời, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết việc này liên quan đến Nghị định 18/2010 (sau là Nghị định 101/2017) được ban hành trên cơ sở Luật Viên chức 2010.

Năm 2019, Quốc hội sửa Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức có nhiều điểm mới. Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định 106 và Nghị định 62 về vị trí việc làm đối với công chức và viên chức, trong đó quy định vị trí việc làm gồm mô tả công việc, xác định khung năng lực… Nghị định cũng phân cấp thẩm quyền cho bộ quản lý chuyên ngành quy định cụ thể vị trí việc làm và mô tả, xác định khung năng lực.

Theo ông Thăng, đối với giáo viên, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm việc này và đương nhiên phải thống nhất với Bộ Nội vụ. “Tôi chỉ lưu ý Vụ Công chức, viên chức khi xây dựng các văn bản, kể cả nghị định, thông tư, phải có nội dung quy định chuyển tiếp. Tất cả phản ánh có vấn đề hiện nay là do thiếu quy định chuyển tiếp” - ông Thăng nói.

Dẫn chứng việc một chuyên viên cao cấp chẳng may thiếu chứng chỉ chuyên viên chính, bắt họ học lại chuyên viên chính là “không thực tiễn”, ông Thăng nhấn mạnh nếu không có quy định chuyển tiếp có nghĩa là văn bản có hiệu lực hồi tố.

Thứ trưởng Nội vụ cũng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu rà soát tổng thể các chứng chỉ để xác định chứng chỉ nào dùng để bổ nhiệm, nâng ngạch; chứng chỉ nào mang tính chất bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn với nghĩa cập nhật kiến thức; cái nào bắt buộc, cái nào khuyến khích. “Công chức chuyên ngành của các bộ như thuế, hải quan, kho bạc, ngân hàng, thanh tra cũng cần tổng rà soát toàn bộ” - ông Thăng nói.

 

Vĩnh Phúc chưa có báo cáo mới về vụ việc

Về trường hợp ở Vĩnh Phúc, báo chí truy: Có thể về quy trình không sai nhưng chỉ trong bảy năm, từ một chuyên viên lên tới vị trí phó giám đốc, tính cả thời gian đi học, như vậy có đảm bảo theo quy định của luật?

Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết Quy định 105 năm 2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Nghị định 138 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức không quy định tuổi tối thiểu khi bổ nhiệm, chỉ quy định độ tuổi tối đa. Đồng thời, không quy định cụ thể về thời gian công tác.

Báo chí “truy” tiếp: “Cách đây ít ngày, có thông tin Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã họp và đưa ra hướng xử lý đối với trường hợp bà Trang. Bộ đã nhận được báo cáo về hướng xử lý của tỉnh chưa?”.

Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức khẳng định Bộ Nội vụ chưa nhận được báo cáo mới của Vĩnh Phúc về việc này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm