Sẽ rút giấy phép thủy điện nếu doanh nghiệp không trồng rừng thay thế

Đây là phần trả lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của QH, sáng 16-11. Chủ đề trồng rừng bù thay thế tại các dự án thủy điện rất chậm chạp đã được các đại biểu (ĐB) truy vấn liên tiếp Bộ trưởng Cao Đức Phát và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) chất vấn vấn đề trồng bù rừng các dự án thủy điện.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phát cho biết: ”Một số dự án thủy điện đã được phê duyệt ở giai đoạn trước khi QH rà soát, siết chặt vấn đề trồng rừng thay thế. Điều này cũng dẫn đến có độ “vênh” về số liệu trong việc xét duyệt các dự án thủy điện phải thực hiện trồng bù thay thế rừng. Phó Thủ tưởng Hoàng Trung Hải chỉ đạo cái gì thiếu sót thì khắc phục nhưng yêu cầu phải trồng rừng thay thế, nếu DN không đồng ý phải rút giấy phép hoạt động”.

Chênh số liệu thống kê hơn 3.000 ha rừng

Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị bộ trưởng Bộ NN&PTNT và bBộ trưởng Bộ Công Thương làm rõ về số liệu chênh lệch lớn trong thống kê diện tích cần trồng rừng thay thế liên quan đến các dự án thủy điện.

Theo đó, báo cáo số liệu của Bộ NN&PTNT, diện tích rừng phải trồng bù là hơn 21.000 ha nhưng Bộ Công Thương xác định diện tích này chỉ chiếm 18.000 ha.

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn của QH.

Bộ trưởng Phát trả lời: "Trên thực tế chúng ta liên tục phải lấy diện tích đất rừng để chuyển đổi sang các mục đích khác, do đó về con số thống kê ở những thời điểm khác nhau sẽ có những con số khác nhau.

Những con số có thể vênh nhau do thời điểm thống kê nhưng về cơ bản, Bộ NN&PTNT đã có báo cáo chi tiết diện tích rừng trồng bù của từng dự án, từng địa phương và đã được rà soát rất kỹ. Mặc dù vậy, Bộ NN&PTNT cũng sẽ cùng với bộ trưởng Bộ Công Thương phối hợp rà soát lại để có con số thống kê chính xác nhất”.

Còn Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết sẽ rút kinh nghiệm và phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để đảm bảo các con số báo cáo chính xác và phù hợp, đúng với thực tế.

Về tiến độ cam kết, Bộ trưởng Phát cho rằng nhiều khả năng hết năm 2015, việc trồng rừng thay thế có thể đạt được kế hoạch đề ra.

Bộ trưởng Công Thương tiếp lời: "Bộ Công Thương có đề ra ba phương án trình Chính phủ. Cụ thể, với các dự án trong lĩnh vực thủy điện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án trồng bù diện tích rừng thay thế sẽ được ngành công thương tiếp tục cấp giấy phép hoạt động điện lực. Nếu DN không hoàn thành sẽ bị chế tài.

Đối với những dự án đang chờ phương án trồng rừng thay thế, Bộ Công Thương sẽ tạm thời cấp giấy phép hoạt động điện lực trong một năm. Sau một năm nếu phương án trồng bù rừng đã được phê duyệt, các chủ đầu tư không thực hiện cũng sẽ bị xử lý vi phạm. Đối với những chủ dự án đã có phương án được phê duyệt nhưng không thực hiện, Bộ Công Thương sẽ xử lý bằng cách tạm thời ngừng cấp giấy phép hoặc rút giấy phép hoạt động điện lực cho đến khi khắc phục được tình trạng này".

 

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết tháng 10-2015, EVN đã thực xong việc rà soát, lập phương án, báo cáo  UBND các tỉnh phê duyệt phương án trồng bù rừng thay thế của 18/18 dự án thủy điện trên cả nước; toàn bộ các phương án này đều đã được các địa phương phê duyệt, tổng diện tích phải trồng khoảng 12.859 ha. EVN đã chi hàng ngàn tỉ đồng trồng bù rừng thay thế.

Việc trồng bù rừng thay thế chậm triển khai là do những vướng mắc khách quan như chưa có hướng dẫn, quy định thống nhất đối với các dự án đã triển khai trước thời điểm hiệu lực của Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài ra, phương án trồng bù chậm được phê duyệt do chưa thống nhất được đơn giá, thời gian, chi phí chăm sóc bảo vệ, loại cây, diện tích trồng bù đối với diện tích rừng sản xuất đã được chủ đầu tư đền bù đất và tài sản trên đất...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm