Sẽ rà soát để đảm bảo quyền lợi người dân ở dự án Thủ Thiêm

Sáng 10-6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng các cơ quan trung ương và TP đã dành trọn một ngày để tiếp xúc, đối thoại với các hộ dân liên quan đến việc thu hồi đất và giải phóng mặt bằng các dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Đây là cuộc đối thoại mà cả người dân có liên quan và chính quyền TP đều mong muốn để cùng trao đổi thẳng thắn, lắng nghe nhau để tìm hướng giải quyết phù hợp nhất.

“Không có cơ sở để quy kết dự án có “lợi ích nhóm””

Đại diện 63 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, ông Phạm Thế Vinh, 68 tuổi, ngụ đường Trần Não (phường Bình Khánh) cho biết ông mong có buổi đối thoại này sau hàng chục năm đi khiếu nại. Cùng với nhiều người khác, ông đã đi thu thập tài liệu để trao cho chủ tịch UBND TP với mong muốn chứng minh nhà đất của ông và các hộ dân năm khu phố thuộc ba phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh không nằm trong quy hoạch của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Để chứng minh cho lời ông Vinh, luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội) - với tư cách người đại diện theo ủy quyền của các hộ dân, chất vấn Sở QH-KT TP: “Người dân đề nghị giám đốc Sở QH-KT làm rõ tờ bản đồ kèm theo Quyết định 785 ban hành năm 1995 xác định khu dân cư thuộc năm khu phố của ba phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh mà người dân đi khiếu kiện nằm ngoài khu quy hoạch. Với chứng cứ của tấm bản đồ này, chúng tôi khẳng định diện tích đất của người dân nằm ngoài dự án”.

Trước vấn đề này, ông Trần Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM, cho rằng tấm bản đồ mà người dân cung cấp chỉ thể hiện diện tích dự án 500 ha chứ không phải 650 ha như hiện tại. Cho nên việc người dân nói nhà đất nằm ngoài dự án là không chính xác.

Không đồng ý, ông Vinh đặt vấn đề tại sao nằm trong quy hoạch lại cho người dân nằm trong khu vực được quyền mua bán nhà thuộc sở hữu nhà nước. “Căn cứ vào đâu anh cho phép người dân bán nhà thuộc sở hữu nhà nước. Hiện nay chúng tôi đang cầm trong tay tất cả sổ hồng trong khi quy định của Chính phủ tất cả khu vực nằm trong quy hoạch thì không thể bán nhà” - ông Vinh nói.

Lý giải về điều này, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận 2, cho biết qua rà soát thì thấy phần lớn trường hợp mua bán nhà thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61 trong thời gian năm 2000-2002 và được hội đồng bán nhà của quận xét bán nhà trước khi UBND TP có quyết định thu hồi đất của dự án. Chỉ có sáu trường hợp sau khi có quyết định thu hồi đất. Việc hội đồng bán nhà quận 2 xét bán nhà là tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống.

Sau rất nhiều tranh luận gay gắt nhưng không đi đến thống nhất, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng trong dự án này có “lợi ích nhóm” và đề nghị ông Nguyễn Thành Phong làm rõ trách nhiệm của những người liên quan, nhất là công ty đo vẽ bản đồ của dự án.

Phản bác, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng ý kiến “lợi ích nhóm” của luật sư Hải đưa ra là “không có cơ sở”.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đang đối thoại với người dân quận 2 , TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đại diện các hộ dân quận 2 trình bày ý kiến với lãnh đạo TP.HCM tại buổi đối thoại. Ảnh: HOÀNG GIANG

Sẽ tiếp tục đối thoại, rà soát lại

Cuộc đối thoại kéo dài đến gần 17 giờ chiều. Trong buổi đối thoại, có nhiều lúc các hộ dân khiếu nại tranh nhau để được phát biểu. Người chủ trì buổi đối thoại là ông Nguyễn Thành Phong đã phải nhiều lần nhắc nhở không nên tranh giành, bởi theo ông Phong, chính quyền TP không hạn hẹp thời gian, sẵn sàng lắng nghe các ý kiến phản ánh.

Cuối buổi đối thoại, luật sư Trần Vũ Hải đề nghị lập một tổ công tác đặc biệt để làm việc với người dân có liên quan để xem lại các vấn đề. Bởi theo ông, người dân cũng hiểu dự án triển khai chậm thì thiệt hại rất lớn cho TP.

Kết luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã xin lỗi các hộ dân vì đáng lẽ ra cuộc tiếp xúc này phải được tiến hành sớm hơn, từ đầu tháng 4-2016 nhưng do bận nhiều việc đến nay mới làm được.

Về vấn đề đất nằm trong hay ngoài quy hoạch dự án, ông Phong cho biết căn cứ vào Quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng thì TP.HCM đã ban hành Quyết định 13585 năm 1998 về phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 khu Thủ Thiêm kèm theo bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất. Đây là cơ sở pháp lý để xác định ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. “Về phía các hộ dân thì căn cứ vào bản đồ quy hoạch kèm theo Quyết định số 785 năm 1995 về phê duyệt quy hoạch chung của quận Thủ Đức và sơ đồ điều chỉnh các khu vực không bán nhà thuộc sở hữu nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 255 năm 1998 của UBND TP để cho rằng nhà, đất của một số hộ không nằm trong quy hoạch của dự án” - ông Phong nói.

Để có nhận thức và cách hiểu thống nhất, ông Phong đã giao Thanh tra TP chủ trì phối hợp với Sở QH-KT và các đơn vị liên quan đối thoại với các hộ dân để làm rõ vấn đề này. Sau đó báo cáo đề xuất UBND TP hướng giải quyết có căn cứ và đúng pháp luật.

Vấn đề thu hồi đất, ông Phong đã giao chánh thanh tra TP phối hợp với Sở TN&MT làm việc lại với các hộ dân để làm rõ cơ sở pháp lý ban hành ranh thu hồi đất và báo cáo đề xuất hướng giải quyết cho UBND TP.

Liên quan đến chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, ông Phong đã giao UBND quận 2 tiếp tục rà soát xem lại các trường hợp di dời giải tỏa mà còn khiếu nại để đề xuất hướng giải quyết cụ thể các trường hợp này nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các hộ dân.

Lãnh đạo TP.HCM đã rất cầu thị

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ), đánh giá cuộc đối thoại diễn ra thoải mái, thẳng thắn, dân chủ và cầu thị. “Cầu thị tới mức dự kiến cuộc đối thoại chỉ có buổi sáng nhưng chủ tịch UBND TP đã cho diễn ra cả buổi chiều” - ông Điệp nói và cho rằng vấn đề mà người dân khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của TP.

Ông Điệp cho rằng không thể trả lời ngay những kiến nghị của các hộ dân, việc này cũng không thể giải quyết ngày một ngày hai là xong nhưng cần xem xét lại trong quá trình giải quyết bức xúc nhiều năm nay và cần tiếp tục đối thoại với người dân để làm rõ vấn đề, đạt được sự thống nhất.

Ông Võ Văn Đồng, Cục trưởng Cục Giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra khu vực III (Cục III, Thanh tra Chính phủ), cũng cho rằng ý kiến của các hộ dân và chính quyền TP còn khác nhau nên không thể giải quyết rốt ráo ngay được. Ông Đồng đề nghị phải hết sức công khai, cầu thị. Ban Tiếp công dân TP phải ngồi lại với người dân nhiều ngày nữa để tìm ra chân lý, đảm bảo quyền lợi cho người dân, sớm chấm dứt câu chuyện này trong thời gian sớm nhất.

Hài hòa giữa mục tiêu phát triển với lợi ích của dân

Nêu ý kiến tại buổi đối thoại, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM nói: “Tôi đề nghị chủ tịch UBND TP chỉ đạo các sở, ngành rất cầu thị với những hồ sơ của người dân để tìm điểm chung tạo sự đồng thuận với người dân” và đề nghị đối với một số khiếu nại về đền bù, tái định cư cần tập trung chỉ đạo giải quyết tối đa và đối thoại giải quyết từng vấn đề một.

Theo bà Tâm, TP.HCM phát triển mà không vì lợi ích của người dân thì sự phát triển đó không có ý nghĩa gì. “Bà con hãy tin rằng lãnh đạo TP sẽ tìm các giải pháp để bảo vệ lợi ích cho bà con. Mong bà con phối hợp để giải quyết, làm sao hài hòa giữa mục tiêu phát triển của TP với lợi ích của người dân” - bà Tâm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm