BỘ TRƯỞNG CÔNG THƯƠNG VŨ HUY HOÀNG:

Sẽ minh bạch giá điện để dân giám sát

Chất vấn Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 1-4, đại biểu (ĐB) Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) hỏi: “Thời gian qua dư luận rất bức xúc việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa chi phí xây dựng các dự án nhà ở cho công nhân, chuyên gia bao gồm cả bể bơi, sân tennis vào giá thành điện, nghĩa là bắt buộc người dân gánh cả chi phí này cho công nhân ngành điện. Đây là điều cực kỳ bất hợp lý?”.

Bộ trưởng Hoàng cho biết việc cần có khu nhà ở, sinh hoạt tập trung cho lực lượng cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ở gần khu vực nhà máy là bắt buộc, nhất là trong trường hợp khi xảy ra sự cố cần ứng cứu kịp thời. Ngoài ra, việc vận hành các nhà máy điện đều có yếu tố độc hại và căng thẳng nên việc xây dựng các hạ tầng thể thao, giải trí kèm theo để giúp cán bộ, công nhân rèn luyện sức khỏe để làm việc... nên cũng cần thiết.

Dẫn lại kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ đối với Tập đoàn EVN, ông Hoàng nói trong sáu dự án chỉ có dự án Nhiệt điện Ô Môn 1 có xây dựng bể bơi, sân tennis, còn các dự án khác không có. Bởi “Đây là dự án do chính phủ Nhật cho vay ưu đãi, có chuyên gia nước ngoài nên ở giai đoạn đầu xây dựng cơ sở thể thao phục vụ cho người nước ngoài là cần thiết”. Ngoài ra, một số công trình có biệt thự phục vụ cho chuyên gia nước ngoài để bám công trường nhưng rất hạn chế. Về việc tính chi phí các công trình trên vào giá điện, ông Hoàng cho hay: “Trong sáu dự án đó, đến nay mới duy nhất có dự án Phú Mỹ 1 là đưa chi phí khu nhà ở vào giá thành sản xuất (nhưng cũng chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu 6.000 tỉ đồng, chỉ 1,3-3,7 tỉ đồng/năm). “Tôi xin khẳng định không có câu chuyện sáu dự án này đưa chi phí xây dựng nhà ở vào giá thành điện, ngoại trừ dự án Phú Mỹ 1 đã đưa vào sử dụng cách đây cả chục năm” - ông Hoàng nói.

Tiếp cho câu chuyện giá điện, ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) nêu vấn đề giá điện hiện nay chưa công khai, minh bạch khiến người dân và doanh nghiệp chưa đồng tình.

Ông Hoàng cho biết từ năm 2011 đến nay, cơ chế điều hành giá điện theo thị trường được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng. Ông Hoàng cũng cho biết thêm, đến năm 2015, Cục Điều tiết Điện lực, cơ quan tham mưu cho Bộ về thị trường điện sẽ là đơn vị độc lập về kiểm soát thị trường điện, tách bạch để tạo tính minh bạch. Đồng thời trong tháng 4 này, Bộ Công Thương sẽ ban hành quy định hướng dẫn thế nào là công khai, minh bạch giá điện để nhân dân xem xét, nếu thấy phù hợp thì đồng thuận với ngành điện. “Bộ sẽ kiên quyết công khai, minh bạch giá điện để cử tri giám sát” - ông Hoàng nhấn mạnh.

TRÀ PHƯƠNG

 

Sẽ chấm dứt tình trạng thương lái nước ngoài thu gom nông sản

. ĐB Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc:Trách nhiệm của bộ trưởng trong việc chưa xử lý triệt để các thương lái nước ngoài ồ ạt thu gom nông sản?

+ Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Trong những năm qua xuất hiện tình trạng thương nhân nước ngoài thu gom hàng hóa nông sản. Đứng trước tình trạng đó, Bộ Công Thương cũng đã chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành, địa phương để quản lý chặt. Theo đó, các thương nhân nước ngoài không được phép trực tiếp thu mua mà phải thông qua thương lái trong nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn tồn tại một số vi phạm, thời gian tới Bộ sẽ cố gắng chấm dứt tình trạng thương nhân nước ngoài vào Việt Nam gom mua nguyên liệu nông sản.

. ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau): Tình trạng nông sản ùn ứ ở cửa khẩu năm nào cũng diễn ra, bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này và ai chịu trách nhiệm trước cảnh nông dân được mùa mất giá?

+ Bộ Công Thương nhận thấy có phần trách nhiệm trong việc chưa làm tốt công tác tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Tuy nhiên, do thói quen, tập quán tiêu thụ sản phẩm của một số doanh nghiệp, tư thương Việt Nam cứ đưa hàng lên biên giới tìm khách hàng. Điều này dẫn đến bị khách hàng ép giá, thậm chí không mua và dẫn đến tình trạng ứ đọng dưa hấu tại cửa khẩu.

Bộ khuyến cáo nên tìm hiểu để có hợp đồng tiêu thụ trước khi xuất hàng, tránh chưa có hợp đồng đã đưa hàng lên biên giới gây ách tắc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm