Sẽ lập tổ đặc biệt chống tội phạm từ ‘bên trong’

“Phải phòng, chống tội phạm trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm” và tới đây sẽ thành lập các tổ kiểm tra, giám sát, kể cả hoạt động bí mật, đối với những cán bộ thiếu trách nhiệm trong công tác, có hành vi câu kết, bao che tội phạm. Đây là chỉ đạo rất đáng chú ý của ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) tại hội nghị triển khai nhiệm vụ 2018 của hai ban chỉ đạo này sáng 29-1.

Lập tổ kiểm tra bí mật

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh trong những thành tựu to lớn của đất nước năm 2017 có sự đóng góp quan trọng của Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia ở cả trung ương và địa phương.

“Các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm núp bóng doanh nghiệp (DN), tội phạm sử dụng công nghệ cao như đánh bạc qua mạng, xuyên quốc gia lên đến hàng ngàn tỉ đồng, điển hình như Công an tỉnh Phú Thọ đã phá vụ án đánh bạc qua mạng, thu được trên 1.000 tỉ đồng. Tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu... vẫn diễn ra phức tạp; có nơi, có lúc tội phạm hình sự hoạt động ngang nhiên lộng hành, gây bức xúc trong dư luận; việc phát hiện và xử lý tham nhũng ở một số địa phương còn hạn chế” - ông Bình nói.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: “Phải phòng, chống tội phạm trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm”. Ảnh: VGP/LÊ SƠN

Chỉ ra những tồn tại, hạn chế, Phó Thủ tướng cho rằng một trong những nguyên do là trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chuyên trách, người đứng đầu chưa cao, còn biểu hiện bao che, thậm chí “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật…

“Cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực của các cơ quan chức năng còn bất cập, chưa hiệu quả. Sắp tới, ban chỉ đạo sẽ thành lập các tổ kiểm tra, giám sát, kể cả hoạt động bí mật đối với những cán bộ thiếu trách nhiệm trong công tác, có hành vi câu kết, bao che tội phạm, dẫn đến bức xúc trong nhân dân. Cơ chế này sẽ được đẩy mạnh, giám sát bí mật chứ không chỉ đến nghe báo cáo mà thôi. Lãnh đạo các bộ, ngành phải tăng cường đi kiểm tra để nắm bắt sát sao hoạt động của ngành mình” - Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định.

Quyết không cho phép có vùng cấm

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh đến việc kiên quyết không cho phép có vùng cấm trong công tác này. Đặc biệt là đối với công tác phòng, chống tham nhũng phải kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng. Cùng đó là cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng.

Phó Thủ tướng yêu cầu nâng cao hiệu quả phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, các băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm hoạt động núp bóng DN, buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả. Cùng đó là tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em, chống người thi hành công vụ, tội phạm có yếu tố nước ngoài, nhất là tội phạm khủng bố, ma túy, mua bán người, rửa tiền, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, tham nhũng.

Có biện pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài. 

Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Công an và các bộ xác lập các chuyên án lớn, đánh đúng, đánh trúng các ổ nhóm tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm buôn lậu các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc lá, tân dược…

226.000 là số vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các cơ quan chức năng đã phát hiện trong năm 2017.

Cũng trong năm này, tỉ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 80,41%, tăng 2,47%. Các cơ quan liên quan đã điều tra, khám phá nhanh nhiều vụ trọng án giết người, cướp tài sản, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. 

Không để bắt tay cho qua với cán bộ vi phạm

Phó Thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu phải chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức. “Phải phòng, chống tội phạm trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Cùng với việc xử lý các vụ án lớn, Phó Thủ tướng cũng lưu ý đến việc chống nhũng nhiễu, tham nhũng vặt. Đây là vấn nạn đang gây dư luận bức xúc trong nhân dân, nhất là hiện tượng cứ đòi phong bì thì mới giải quyết công việc cho người dân và DN. “Kiên quyết không để tình trạng một số cán bộ có vi phạm thì các cơ quan bắt tay với nhau để cho qua” - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Xác minh làm rõ dấu hiệu lợi ích nhóm tại các dự án BT, BOT

Báo cáo của Bộ Công an do Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, trình bày tại hội nghị, cho biết: Năm 2017, phạm pháp hình sự xảy ra gần 53.000 vụ.

Tội phạm giết người giảm về số vụ nhưng tính chất, hành vi phạm tội dã man, tàn bạo, thể hiện sự xuống cấp về mặt đạo đức, xảy ra một số vụ việc đối tượng có biểu hiện tâm thần, “ngáo đá” giết người. Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương…

Về tội phạm kinh tế, tham nhũng, tiếp tục phát hiện nhiều sai phạm trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân hàng, quản lý sử dụng đất, cơ cấu lại DN nhà nước... Sai phạm, tiêu cực, dấu hiệu lợi ích nhóm tại nhiều dự án BT, BOT giao thông tiếp tục được xác minh, làm rõ. 

Tình trạng buôn lậu, gian lận trong kinh doanh xăng dầu với số lượng lớn qua hình thức tạm nhập tái xuất có sự thông đồng của số cán bộ trong ngành hải quan. Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm