Sẽ làm việc với Facebook về nạn mạo danh

Chiều 18-4, tại phiên trả lời chất vấn giữa hai kỳ họp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu (ĐB) Quốc hội về giải pháp ngăn chặn mạng xã hội đưa thông tin xấu, kích động, xuyên tạc…, cũng như báo chí đưa quá nhiều thông tin tiêu cực gây ảnh hưởng xấu tới xã hội.

Đã gỡ 1.200 thông tin xấu, độc, xuyên tạc

Trước tình trạng thông tin xấu, kích động tràn lan trên mạng, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi: “Hiện nay hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật khá phổ biến trên mạng, thậm chí lập trang Facebook giả của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Việc này nguy hiểm vì gây hệ lụy, Bộ trưởng có giải pháp gì để xử lý tình trạng này?”. Còn ĐB Nguyễn Tọa (Lâm Đồng) đề nghị người đứng đầu Bộ TT&TT “đưa ra giải pháp nào” để xử lý “hiện tượng mạng xã hội phát tán thông tin xấu, kích động, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, uy tín của một cá nhân, tổ chức”.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Tuấn cho hay Việt Nam là một trong 10 nước sử dụng Facebook lớn nhất thế giới nên những thông tin bôi xấu Đảng, Nhà nước... chủ yếu xuất phát từ các trang mạng xã hội nước ngoài. Những trang mạng xã hội nước ngoài này khó kiểm soát, hiện Việt Nam đã bắt đầu kiểm soát, bước đầu có quy định pháp luật về vấn đề này.

Cụ thể, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 38 ngày 16-12-2016 (quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới) là cơ sở để yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin qua biên giới phải có trách nhiệm gỡ bỏ thông tin theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng đẩy mạnh cung cấp thông tin chính thống, trong sạch hóa đội ngũ người làm báo, minh bạch thông tin để mạng xã hội không lấn sân của báo chí chính thống, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”…

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đang trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18-4. Ảnh: QH

Đi kèm với đó là tiến hành xử phạt nghiêm minh các trường hợp sai phạm (xác định được nhân thân). Đối với các trường hợp không xác định được nhân thân thì yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới gỡ bỏ những thông tin vi phạm. Theo ông Tuấn, trong thời gian qua Bộ đã đề nghị các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp mạng xã hội, kênh thông tin… gỡ bỏ hơn 2.200 thông tin xấu, độc, xuyên tạc, đến đầu tháng 4-2017 các doanh nghiệp này đã gỡ hơn 1.200 thông tin.

“Trong tháng tới chúng tôi sẽ làm việc với Facebook để gỡ bỏ các nội dung giả mạo lãnh đạo Đảng, Nhà nước và phía Facebook đã đồng ý đến Việt Nam bàn về nội dung này” - ông Tuấn nói. Ông Tuấn cũng cho hay Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương để thực hiện xử lý các vi phạm một cách nhanh nhất.

Báo chí tràn ngập “bỏng mắt, đắng lòng”

Liên quan đến hoạt động báo chí, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng hiện các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là báo mạng đưa quá nhiều tin tức, phản ánh tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Theo đó ĐB Sơn đặt câu hỏi: “Những bài báo tích cực để tác động vào đời sống xã hội chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay. Vậy Bộ làm gì để đáp ứng yêu cầu đó của hoạt động báo chí hiện nay?”.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tuấn nói: “Nhiều tờ báo, nhất là báo điện tử khai thác quá nhiều thông tin về các vụ án mạng rùng rợn, tạo cảm giác nặng nề cho độc giả. Chúng tôi đã không ít lần nhắc nhở báo chí về tình trạng tràn ngập tin “cướp giết hiếp, bỏng mắt, đắng lòng”. Đây là cách làm báo không đúng đạo đức nghề nghiệp”.

Ông Tuấn cho hay năm 2015 xảy nhiều vụ giết người man rợ như vụ Bình Phước, Nghệ An, Yên Bái… Ngay khi xảy ra các vụ án, Bộ đã có chỉ đạo thông tin trung thực, không bóp méo nhưng không mô tả hành vi man rợ, không mô tả kẻ thủ ác như người hùng. Bộ TT&TT cũng có văn bản gửi các cơ quan báo chí chấp hành nghiêm quy định, không thông tin, mô tả hành vi rùng rợn xung quanh các vụ án; xâm phạm quyền riêng tư của công dân, khai thác thông tin, mô tả người nhà, đời tư của người thân thủ phạm. Đăng phát những phát ngôn không đúng chức năng gây hiệu ứng xấu xã hội.

“Bộ sẽ tiếp tục xử lý nghiêm khắc và xử lý lãnh đạo báo chí nếu tiếp tục để xảy ra. Đồng thời, Bộ nhắc các cơ quan chủ quản nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan báo chí để xảy ra tình trạng này” - ông Tuấn khẳng định.

1.800 hồ sơ người có công giả mạo

Trả lời chất vấn sáng 18-4, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thừa nhận là có tình trạng giả mạo hồ sơ người có công để trục lợi chính sách.

“Qua kiểm tra hơn 60.000 hồ sơ tại các đơn vị, địa phương, đã phát hiện hơn 12.000 hồ sơ sai sót hoặc nghi vấn sai sót, trong đó có hơn 1.800 hồ sơ giả mạo” - ông Dung nói. Theo đó, Bộ đã kiến nghị các cơ quan có liên quan ban hành quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi, buộc hoàn trả ngân sách nhà nước số tiền đã hưởng sai quy định trên 130 tỉ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước hằng năm trên 37 tỉ đồng. Bộ cũng kiến nghị xuất toán, thu hồi nộp ngân sách nhà nước số tiền trên 13 tỉ đồng.

Liên quan đến chính sách về người có công, tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý rằng Chính phủ mong muốn làm sao để người có công được hưởng chế độ nhưng một mặt cũng không để xảy ra hiện tượng lợi dụng, giả danh, giả mạo để hưởng chính sách, chế độ.

“Hiện nay những đối tượng còn lại thường là những đối tượng rất khó khăn. Tôi đã trực tiếp xem xét một số hồ sơ, thậm chí từ hai năm nay vẫn chưa giải quyết được. Trên tinh thần không để người có công mà không được công nhận, không được hưởng chế độ, chính sách thì chúng ta làm theo tinh thần sau một thời gian công bố lên, nếu không có ý kiến nào khác thì chúng ta xử lý” - Phó Thủ tướng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm