VỤ BỊ ĐÁNH CHẾT SAU KHI CỰ CÃI VỚI CSGT

Sẽ làm rõ sự liên quan của CSGT?

Ngày 18-12, TAND quận Tân Phú (TP.HCM) đã đưa vụ án anh Trần Văn Hiền bị đánh chết sau khi cự cãi với CSGT ra xử sơ thẩm. Hai bị cáo Lê Thanh Bằng và Võ Văn Tòng - người trực tiếp đánh anh Hiền đến chết - bị truy tố tội cố ý gây thương tích.

Sau khi thẩm vấn, theo đề nghị của công tố viên, HĐXX đã tuyên hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ một số tình tiết trong vụ án. Cụ thể, công tố viên cho rằng điện thoại của hai bị cáo chưa được cơ quan điều tra thu giữ để xác minh tại thời điểm xảy ra sự việc, liệu có ai (tức CSGT) gọi điện thoại cho Bằng, Tòng để “chỉ đạo” họ đánh anh Hiền hay không. Đây chính là nghi vấn quan trọng mà dư luận từng đặt ra sau cái chết tức tưởi của anh Hiền.

“Thấy chuyện bất bình nên ra tay” (?!)

Theo hồ sơ, sau khi nhậu xong, anh Hiền ra về bị CSGT lập biên bản nên anh Hiền tức giận, cự cãi với tổ CSGT. Tuy nhiên, khi đón xe ôm đi được 300 m để về nhà thì anh Hiền bị hai thanh niên lạ mặt (là Bằng và Tòng) đuổi theo đánh anh đến tử vong.

Sẽ làm rõ sự liên quan của CSGT? ảnh 1

Bị cáo Bằng (phải) và bị cáo Tòng đang trả lời HĐXX. Ảnh: PHAN THƯƠNG

Tại tòa, Bằng khai nhận do vợ làm ăn thua lỗ nên hai vợ chồng có xảy ra mâu thuẫn và vợ bỏ nhà đi. Khoảng 9 giờ tối 9-4-2013, bị cáo đi công việc về thấy con đang khóc mà vợ cũng chưa về nhà nên tinh thần cảm thấy ức chế. Lúc vào ra nhà mấy lần, Bằng vẫn thấy một người (bị hại Hiền) cứ quơ tay múa chân chửi bới lực lượng CSGT đang chốt trước bãi xe mà Bằng đang kinh doanh tại đường Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú.

Khi Bằng chạy xe ra để đi tìm vợ thì Bằng thấy Tòng ngồi gần tổ CSGT đang làm nhiệm vụ nên hỏi có chuyện gì. Tòng bảo anh Hiền say rượu bị CSGT giữ xe, lập biên bản vi phạm nhưng không chịu ký mà đưa tiền cho CSGT để xin “bỏ qua” nhưng bị từ chối. Thấy không được, anh Hiền cầm điện thoại dọa chụp ảnh CSGT dù điện thoại của anh Hiền không có chức năng chụp ảnh và tự đập vỡ điện thoại của mình. Cũng lúc này, chính Bằng nghe anh Hiền đang la ó, nhục mạ CSGT.

Bằng khai do áp lực từ gia đình vì vợ bỏ đi, con khóc, ra ngoài lại thấy chuyện anh Hiền đã sai lại lớn tiếng chửi rủa CSGT nên bất bình, bức xúc rồi rủ Tòng “Có đánh nó không?”. Được Tòng hưởng ứng “đánh thì đánh!” nên cả hai đuổi theo anh Hiền khi thấy anh bắt xe ôm rời khỏi chốt CSGT. Khi đuổi kịp, Bằng chủ động đánh anh Hiền cho đến khi anh Hiền bất tỉnh rồi bỏ đi. Sau đó anh Hiền tử vong do chấn thương sọ não.

Về phía Tòng, bị cáo thừa nhận toàn bộ nội dung cáo trạng cũng như lời khai của Bằng. Tòng nói mình có tham gia nhưng không hề đánh anh Hiền, chỉ đứng xem.

“Đi theo CSGT để học hỏi” (!)

Trước tòa, Bằng và Tòng đều khẳng định chỉ mới quen biết nhau hơn một tháng. “Quen sơ sơ, chưa một lần đi chung với nhau, chỉ biết Tòng khá thân với CSGT. Bị cáo cũng quen sơ sơ vài CSGT do họ thường xuyên đứng chốt trước bãi xe do bị cáo làm chủ” - Bằng nói.

“Bị cáo hay đi theo CSGT tuần tra nên biết Bằng” - Tòng nói thêm.

Tòa: “Đi theo bao nhiêu lần?”. Tòng: “Hơn 10 lần”. “Đi theo để làm gì?”. “Đi theo để học hỏi xem người ta phạt vi phạm như thế nào”. “Có thân thiết với CSGT không?”. “Dạ không thân, chỉ biết mặt nhau thôi”. “Không thân làm sao biết lịch của CSGT mà đi theo? Phải biết họ tuần tra thời gian nào, địa điểm ở đâu mới theo chứ?”. “Đi ngoài đường thấy nên đi theo coi anh em làm”. “Không thân thiết sao kêu anh em?”. Tòng im lặng.

Đại diện VKS hỏi Bằng: “Có ai trong CSGT gọi điện thoại cho các bị cáo đi đánh Hiền không?”. Bằng trả lời “Không”. VKS: “Bị cáo kinh doanh bãi xe thì thực tế phải quen biết CSGT, bị cáo quen bao nhiêu CSGT?”. Bằng: “Ở đội chốt trước bãi xe của bị cáo thì bị cáo chỉ quen anh H. và anh C.”. “Ngày xảy ra sự việc, bị cáo có sử dụng điện thoại không?”. “Có. Bị cáo xài thuê bao trả sau và đứng tên bị cáo”. VKS: “Sao bị cáo không nộp điện thoại cho cơ quan điều tra?”. Bằng: “Cơ quan điều tra không yêu cầu”...

Cuối cùng, để xác định rõ liệu có ai gọi điện thoại “chỉ đạo” Bằng và Tòng đi đánh người bị hại hay không, HĐXX đã đồng ý trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo đề nghị của VKS.

Có thể trích xuất tin nhắn từ nhà mạng

Sau phiên tòa, chúng tôi hỏi công tố viên tại sao ngay từ đầu VKS không yêu cầu cơ quan điều tra thu giữ điện thoại của các bị cáo. Vị này trả lời ông chỉ nhận hồ sơ khi có kết luận điều tra, trước đó do một kiểm sát viên khác kiểm sát điều tra vụ án. “Khi hồ sơ đến tay, bản thân tôi cũng chưa nghĩ ra việc này. Đến phiên tòa hôm nay, khi nghe các bị cáo khai tại tòa, tôi mới nghĩ nếu có chuyện nhờ đánh giùm thì chỉ có cách là gọi điện thoại hoặc nhắn tin”.

“Với thời gian quá lâu, liệu có thể phục hồi thông tin tin nhắn, cuộc gọi hay không, thưa ông?”. “Có thể thông tin không còn lưu trữ trong điện thoại nhưng chắc chắn vẫn còn lưu trữ tại trung tâm nhà mạng. Có rất nhiều vụ chúng tôi cũng nhờ sự hỗ trợ từ nhà mạng và đều có kết quả” - vị này khẳng định.

PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm