Sẽ hỗ trợ gần 900 tỉ đồng cho các hộ mất nhà vì lũ

Phiên chất vấn nóng lên khi ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) hỏi về việc thực hiện chính sách bồi thường, tái định cư cho các hộ dân khi thực hiện các công trình thủy lợi; vấn đề an toàn hồ đập hay lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

ĐB Nguyễn Tiến Sinh.

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) hỏi: Việc thực hiện chính sách bồi thường, tái định cư cho các hộ dân khi thực hiện các công trình thủy lợi, thủy điện diễn ra nhiều năm nay.

Tuy nhiên, đời sống của người dân trong các vùng tái định cư còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tình trạng thiếu đất ở và đất sản xuất, không có các biện pháp sinh kế thay thế, cơ sở hạ tầng xuống cấp như thủy điện Huội Quảng-Bản Chát (Lai Châu), thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam), Đăk Đrinh (Kon Tum) và ngay cả công trình thủy điện Hòa Bình đã thực hiện 40 năm qua.

Điều này gây khó khăn cho người dân là chính quyền địa phương trong việc ổn định đời sống của người dân sau tái định cư. "Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp về hậu chính sách tái định cư được thực hiện như thế nào và trách nhiệm của chủ đầu tư trong vấn đề thực hiện ra sao?" - ĐB Sinh hỏi.

ĐB này cũng đặt vấn đề là sau mỗi trận lũ tại miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, hàng trăm hộ, người dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, thiệt hại vật chất và nhân mạng vô cùng lớn. Đồng bào miền núi đang hoang mang lo lắng mỗi khi mùa mưa lũ đến. Ông tiếp: "Bộ trưởng có chia sẻ gì với đồng bào và Chính phủ có giải pháp cơ bản nào để ổn định đời sống lâu dài cho đồng bào miền núi?".

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho hay hiện nay cả nước có 193 dự án thủy lợi, thủy điện có di dân tái định cư. Tổng số di dân tái định cư gần 84.000 hộ với trên 353.000 nhân khẩu. Đến nay đã tổ chức di chuyển được trên 76.000 hộ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam.

Bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Chính phủ phê duyệt quyết định về ổn định phát triển sản xuất cho 28.800 hộ tái định cư và trên 24.500 hộ bị ảnh hưởng trên địa bàn của 82 xã thuộc ba tỉnh (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) chủ yếu là dự án thủy điện Sơn La (thực hiện trong giai đoạn 2018-2025). 

Bộ đã tham mưu cho Chính phủ đối với các dự án bị ảnh hưởng bão lũ có một dự án riêng. Về an toàn hồ đập, Thủ tướng đã có chương trình của Chính phủ, giao 1.600 tỉ đồng cho các địa phương chủ động nâng cấp các hồ đập.

Khi nghe trả lời, ĐB Sinh nói: "Thứ trưởng viện dẫn nhiều chính sách quá, chúng tôi nghe không hiểu gì cả” và đề nghị Thứ trưởng làm rõ ba việc:

Thứ nhất, người dân hỏi tại sao khu tái định cư các công trình thủy điện, từ công trình thủy điện Hòa Bình 40 năm nay rồi cho đến các công trình mới đã viện dẫn, mãi tái định cư vẫn chưa xong. Mục tiêu đặt ra là tái định cư cho người dân phải có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, vậy đến bao giờ chúng ta thực hiện được mục tiêu này?

Thứ hai, vấn đề an toàn hồ đập trong các công trình thủy điện trọng điểm quốc gia, báo chí đưa tin rất nhiều, đặc biệt là thủy điện Hòa Bình. Hiện nay có tình trạng đe dọa không chỉ an toàn an ninh quốc gia mà còn là tính mạng, tài sản của người dân ở ven hồ đập... Thậm chí nhiều người đã trắng tay rồi nhưng giải pháp của Chính phủ và Bộ đưa ra vẫn chỉ là trong đề án thôi. Đề nghị nói rõ cấp bách bây giờ phải làm thế nào?

Thứ ba là vấn đề lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, ngay hôm nay và ngày mai vẫn tiếp tục xảy ra. Thứ trưởng nói là chỉ trong đề án người ta triển khai thôi, tôi xin hỏi giờ diễn ra nghiêm trọng như vậy, có nguy cơ cao như vậy thì xử lý thế nào?

Như Lai Châu hôm vừa rồi, phải mất ba, bốn ngày mới tiếp cận được bản đó, đến giờ chưa tìm được người chết. Vậy thì những vùng này đã nằm trong đề án của Chính phủ là tái định cư và di dân ở những vùng nguy cơ sạt lở cao, biên giới, hải đảo chưa? Nếu có rồi thì tại sao vẫn để tình trạng như vậy diễn ra, mà hầu như người dân không tiếp cận được với chính sách? Nội dung này tôi đề nghị đồng chí phó thủ tướng cũng trao đổi thêm để đồng bào hiểu.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đáp trả lời: Dự án di dân của thủy điện Hòa Bình đã thực hiện hoàn chỉnh hai giai đoạn và đang thực hiện giai đoạn 3. Hiện nay đã bố trí nguồn vốn để thực hiện giai đoạn 3 nhưng việc bố trí vốn còn hạn chế, chưa bảo đảm.

Về an toàn hồ đập, vừa qua do tình hình ở Lào, Thủ tướng đã có Chỉ thị 22 tăng cường bảo đảm cho hồ đập. Hiện trên cả nước có 6.600 hồ đập thủy lợi, thủy điện, Chính phủ đã bố trí nguồn ngân sách để cho các địa phương nâng cấp các hồ đập. Trong chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT, Công Thương thành lập các đoàn đi đánh giá cụ thể, báo cáo Thủ tướng. Hiện nay, Bộ NN&PTNT cũng đã thành lập các đoàn đi địa phương.

Vấn đề lũ quét ở các tỉnh phía Bắc, ảnh hưởng đến tái định cư của người dân, Bộ đã thành lập các đoàn đi đánh giá tổng thể những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét lớn. Chúng tôi đã xây dựng các phương án cụ thể, đặc biệt có ba phương án.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

Phương án đối với những hộ không còn nhà ở, hiện đang ở nhà tạm, treo lều bạt, chúng tôi tổng hợp thì có gần 6.000 hộ và có văn bản trình Chính phủ đề nghị giải quyết cấp bách với số tiền khoảng 883 tỉ đồng. Dự kiến cuối tháng này sẽ có kinh phí chuyển cho các địa phương để triển khai thực hiện.

Các hộ ở vùng nguy cơ cao ảnh hưởng lũ quét, lũ ống, chúng tôi đã tổng hợp lại đưa vào dự án trình Chính phủ có kế hoạch bố trí hằng năm.

“Chúng tôi rất thấu hiểu với ý kiến của ĐB Nguyễn Tiến Sinh. Chúng tôi rất thấu hiểu, chia sẻ, đồng cảm. Mỗi khi lũ lụt xảy ra ở chỗ này, chỗ kia, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đều nhắc chúng tôi đến thăm hỏi chưa? Chúng tôi chỉ có thể thể hiện về mặt tình cảm, thăm hỏi, còn giải quyết thì chưa được nhiều. Nhưng từ đầu năm tới nay, Chính phủ đã cấp 18.000 tấn gạo không thu tiền cho đồng bào miền núi khi giáp hạt và thiên tai” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm