Sẽ dừng khai thác thủy điện gây hại

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khi trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội sáng 21-11.

Chưa có báo cáo nào nói thủy điện xả lũ sai

. Phóng viên: Vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng việc xả lũ ở các nhà máy thủy điện là nguyên nhân quan trọng gây ra lũ lụt, làm hàng chục người chết, mất tích. Phó Thủ tướng nhận định thế nào?

Sẽ dừng khai thác thủy điện gây hại ảnh 1
+ Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Đến nay, chưa có báo cáo nào nói rằng có hồ nào đó xả lũ sai quy trình và các địa phương có hồ chứa đều khẳng định như vậy. Trường hợp của An Khê tôi không đi nhưng nghe các đồng chí trên đó báo cáo rằng chủ hồ đều có thông báo đầy đủ việc xả lũ cho địa phương. Nhưng vấn đề này phải kiểm tra lại.

Nước ta đã đầu tư xây dựng được 7.000 hồ chứa và thời gian tới sẽ tiếp tục phải đầu tư thêm mới bảo đảm được cân bằng nước, cung cấp đủ nước cho sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên, phải làm sao để sống chung với hồ chứa một cách an toàn. Muốn như vậy phải quản lý thật chặt, thật khoa học.

. Qua kiểm tra thực tế, Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về việc xả lũ của các thủy điện ở khu vực miền Trung?

+ Việc xả lũ là bình thường, bởi nước chứa đầy hồ đương nhiên phải xả. Vấn đề là phải xả đúng, nếu xả sai quy trình thì lũ sẽ chồng lũ, làm nghiêm trọng hơn cho vùng hạ du. Đây chính là vấn đề cần kiểm soát chặt. Chính phủ vẫn yêu cầu các bộ và chính quyền địa phương phải theo dõi chặt chẽ. Nếu các hồ không thực hiện đúng quy trình xả lũ, chủ quan, không phân công trực khi mưa lũ thì xử lý nghiêm.

Miền Trung có địa hình dốc, ngắn nên mưa lũ xuống tạo dòng nước chảy rất xiết và nhanh, nước ngập nhanh và rút nhanh. Chính vì thế các hồ chứa không thể thiết kế được diện tích phòng lũ lớn như các hồ ở miền Bắc và miền Nam. Đó là chưa nói các hồ chứa này lại kết hợp với thủy điện, bắt buộc phải tính toán theo hiệu quả kinh tế nên dung tích phòng lũ không lớn.

Không vì lợi ích mà gây hại cho hạ du

. Tại nhiều nước, dự án thủy điện đã được đầu tư nhưng gây hại đến môi trường sẽ bị đình chỉ. Vậy Việt Nam có nên đình chỉ những công trình thủy điện không hợp lý, gây hại cho dân?

+ Chúng ta phải rà soát và đình chỉ các công trình không hợp lý. Chính phủ sẽ chỉ đạo xử lý những thông số tài chính liên quan vì phải đặt mục tiêu bền vững lên trên hết. Không vì lợi ích tài chính mà để ảnh hưởng đến hạ du.

Sẽ dừng khai thác thủy điện gây hại ảnh 2

Người dân phố cổ Hội An dùng xuồng để đi lại trong mùa lũ. Ảnh: L.PHI

. Vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị điều tra lại việc các thủy điện xả lũ và truy cứu trách nhiệm hình sự. Chính phủ có chỉ đạo làm theo đề nghị này không, thưa Phó Thủ tướng?

+ Hệ thống luật pháp của mình có hết rồi, nếu địa phương hoặc bộ phát hiện sai thì sẽ điều tra theo trách nhiệm, chức năng của họ.

Cũng có những thông tin báo chí nêu vừa qua khác với báo cáo. Ví dụ Bình Định nói vỡ hồ nhưng có vỡ đâu, hay bảo ngập 8 m nhưng đâu có… Trong bão lũ, thông tin cần chính xác nếu không sẽ gây hoang mang. Còn anh nào xả lũ sai, làm trầm trọng thêm cho hạ du, gây thiệt hại sẽ phải bồi thường.

. Chính phủ sẽ có chỉ đạo, chấn chỉnh gì đối với hoạt động xả lũ của các thủy điện?

+ Thứ nhất là phải rút kinh nghiệm ở hệ thống quan trắc. Để điều tiết chính xác hồ chứa và phát huy hết năng lực chống lũ của nó, số liệu dự báo phải rất chính xác. Khi cắt lũ thì quan trọng nhất là dự báo chính xác đỉnh lũ về lúc nào và cắt lũ đúng đỉnh. Nếu cắt không đúng đỉnh thì hiệu quả sẽ thấp.

Thứ hai là tiếp tục theo dõi việc thực hiện các hồ chứa để thấy những bất hợp lý và điều chỉnh. Tôi đã giao cho các bộ chức năng và các địa phương kiểm tra xem thông tin có vấn đề gì không. Hiện Chính phủ giao Bộ NN&PTNT phải kiểm soát được luồng thông tin từ lãnh đạo, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và từ các hồ đập. Phải hoàn thiện hệ thống thông tin về mưa bão lũ.

Ngoài ra, phải đầu tư những con đường cứu nạn, cứu hộ chống bão lũ. Cần điều chỉnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tránh tạo thành vật cản dòng lũ vì như vậy dòng lũ sẽ tìm đường mới để đi và đánh vào các vùng dân cư trước đây chưa từng bị lũ. Tại Quảng Ngãi và Bình Định đã xảy ra vấn đề này. Chúng ta đang ở thời kỳ biến đổi khí hậu nên những tính toán thoát lũ trước đây không còn phù hợp nữa, cần thay đổi. Phải đánh giá đúng tình hình mưa lũ để sơ tán dân cho phù hợp.

Chấm dứt phân quyền thủy điện cho địa phương

Nước ta có tiềm năng thủy điện cần khai thác và đã phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên cũng bộc lộ những yếu kém trong quy hoạch, lập dự án đến thi công, từ di dân tái định cư tới bảo đảm môi trường, sinh thái.

Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có yếu kém về quản lý nhà nước của cả CP và chính quyền địa phương. Về các nhóm giải pháp khắc phục, với những hồ đang hoạt động thì đánh giá kỹ sự an toàn, rà soát bổ sung quy trình vận hành phù hợp với diễn biến bất thường do biến đổi khí hậu. Với những dự án thủy điện đang triển khai thì cũng rà soát lại, nếu công trình nào không đảm bảo thì đình chỉ.

Còn những dự án chưa khởi công thì tạm dừng để đưa vào quản lý chặt chẽ hơn. Theo đó, không tiếp tục phân cấp cho chính quyền địa phương nữa mà tất cả đưa lên Bộ Công Thương, Thủ tướng xem xét, phê duyệt từng công trình, tùy thuộc quy mô.

Ngoài ra, CP sẽ nghiên cứu để bổ sung chính sách với hộ nghèo vùng thủy điện cũ và sửa đổi chính sách di dân, tái định cư áp dụng với công trình thủy điện mới.

Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG
(trả lời chất vấn của ĐBQH chiều 21-11)

THÀNH VĂN - NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm