Sau vụ chìm tàu trên sông Hàn: Mối lo ‘độ’ tàu cá thành tàu du lịch

Trong cuộc họp giao ban sáng 6-6 với các sở, ngành và bốn vị phó chủ tịch UBND TP, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã yêu cầu các đơn vị giải trình trách nhiệm trong vụ chìm tàu.

Đình chỉ công tác giám đốc cảng vụ

Ông Thơ yêu cầu ông Lê Sáu, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa TP Đà Nẵng thuộc Sở GTVT, đứng dậy rồi chất vấn: “Lúc chìm tàu các anh đang ở đâu?”. Ông Sáu trả lời: “Ở bến có ba người trực”, đồng thời cho rằng mình không hay biết tàu Thảo Vân 2 hoạt động chui.

Tuy nhiên, sau đó ông Nguyễn Công Hiệu, Đội trưởng Đội quản lý bến, báo cáo đã trình báo tất cả thông tin về việc tàu Thảo Vân 2 hoạt động chui cho ông Sáu “chứ không phải ông Sáu không biết”.

Nghe vậy, ông Thơ gay gắt: “Có ba người ở đó nhưng các anh làm gì mà không biết tàu Thảo Vân 2 công khai hoạt động, bán vé đón cả 56 người lên tàu? Con tàu to đùng như thế, hiên ngang chạy mà các anh không biết. Vậy trách nhiệm của anh ở đâu?”. Tới lúc này, ông Sáu mới thừa nhận: “Em thấy trách nhiệm của mình, em xin lỗi các anh”. 

Ông Thơ kết luận: “Các anh không làm tròn trách nhiệm, không có báo cáo kịp thời thì tôi quyết định luôn là đình chỉ công tác anh Lê Sáu. Không ai có thể chấp nhận một cán bộ quản lý yếu kém như vậy được”. Ông Thơ cũng yêu cầu ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT, đình chỉ công tác ông Nguyễn Công Hiệu, Đội trưởng Đội quản lý bến TP Đà Nẵng, giao công việc cho người có năng lực hơn.

Tại cuộc làm việc, ông Thơ đề nghị Công an TP Đà Nẵng vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc. “Lãnh đạo Sở GTVT nên chuẩn bị tinh thần vì khi cơ quan điều tra đã vào cuộc thì sẽ “rờ” tới hết” - ông Thơ cảnh báo. TP Đà Nẵng cũng tạm dừng toàn bộ hoạt động các tàu du lịch trên sông Hàn để rà soát các điều kiện an toàn, chấn chỉnh quy chế hoạt động.

Chiều 6-6, Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, đã ký quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, gây hậu quả nghiêm trọng đối với vụ chìm tàu Thảo Vân 2 để điều tra làm rõ.

Tàu Thảo Vân 2 vốn được hoán cải từ tàu cá. Ảnh: TT

Tàu cá “hô biến” thành tàu du lịch

Đáng chú ý, ông Thơ bày tỏ sự lo ngại về thực trạng nhiều tàu cá được ngư dân hoán cải thành tàu du lịch. “Hầu hết tàu cá của ngư dân nhỏ, thiết kế không phù hợp để làm du lịch. Việc hoán cải chủ yếu là sửa chữa chắp vá nên kém mỹ quan, kỹ thuật cũng không đảm bảo. Các anh xem xét, đừng vì lý do kinh tế mà để người ta hoán cải tràn lan lên. Cần nghiên cứu có nên cho tiếp tục hoán cải nữa hay không” - ông Thơ chỉ đạo.

Theo ghi nhận trong ngày của Pháp Luật TP.HCM,có tới hơn 70% số tàu du lịch đang hoạt động trên sông Hàn được hoán cải từ các phương tiện khác như tàu đánh cá, tàu vận chuyển hàng hóa.

Ông Lê Văn Diễn, thuyền trưởng tàu Phú Quý 1, cho biết tàu của ông vừa đóng mới được hai năm theo tiêu chuẩn của một tàu du lịch chuyên nghiệp. “Tàu cá thì phần đáy xuôi, hẹp để chạy nhanh. Còn tàu du lịch thì đáy bè ra nên chạy chậm hơn nhưng an toàn, ít tròng trành khi gặp sóng” - ông Diễn nói.

Theo ông Diễn, do kinh phí đóng mới tàu du lịch khá lớn (khoảng 2 tỉ đồng) nên hiện trên sông Hàn chỉ có 4-5 chiếc là “hàng xịn”, còn lại là tàu cũ hoán cải từ tàu cá (chỉ tốn gần 300 triệu đồng). Có nhiều trường hợp đi mua tàu cá đã sử dụng 30-40 năm về “độ” lại thành tàu du lịch. Những con tàu ọp ẹp này được “mông má” bề ngoài cho bắt mắt, lắp thêm ghế ngồi, bóng đèn điện nên nhìn sơ bên ngoài không khác chi các tàu du lịch “xịn”.

Trung tá Đặng Hữu Tài, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy, Công an TP Đà Nẵng, xác nhận: Hiện trên sông Hàn có 28 tàu du lịch chở khách, trong đó chủ yếu là tàu cũ được hoán cải. “Riêng tàu Thảo Vân 2 từng hai lần bị CSGT xử phạt vi phạm hành chính. Mới đây nhất, ngày 9-5, chủ tàu này bị phạt 400.000 đồng về lỗi sử dụng giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện đã hết hiệu lực” - ông Tài nói.

Trung tá Tài cho biết thêm qua kiểm tra, lực lượng CSGT rất lo ngại về chất lượng của các tàu được hoán cải. Vì cơ bản các tàu này vẫn giữ nguyên phần khung thân của tàu cũ, chỉ chỉnh sửa lại một số bộ phận để chở khách nên dẫn đến sự sai khác về độ chịu lực, độ thăng bằng... “Đề nghị TP không cấp phép hoạt động du lịch cho các tàu cá được hoán cải” - ông Tài kiến nghị.

Tàu Thảo Vân 2 đã bị “quản thúc” 2 ngày trước khi gây tai nạn

Theo thông tin chúng tôi có được, trong vụ chìm tàu Thảo Vân 2 có một số cơ quan chức năng đã chưa làm tròn trách nhiệm. Cụ thể, ngày 2-6, Sở GTVT TP Đà Nẵng đã có cuộc họp để xử lý các tàu du lịch không đảm bảo an toàn trên sông Hàn. Có ba tàu không đảm bảo an toàn được nêu đích danh, gồm Thảo Vân 2, Đại Thành và Đna - 0451. Nhiều ý kiến đề nghị cần “trục xuất” ba tàu này ra khỏi khu vực cảng sông Hàn.

Ngay sau đó, Sở GTVT TP Đà Nẵng đã giao Cảng vụ Đường thủy nội địa phối hợp với Thanh tra Sở, trạm biên phòng sông Hàn di dời các tàu này về neo đậu tại khu vực Trạm cửa khẩu sông Hàn trước 20 giờ ngày 2-6 và bàn giao cho lực lượng biên phòng quản lý. Các tàu tuyệt đối không được rời khỏi khu vực trên khi chưa có ý kiến của cơ quan chức năng. Trong đêm 2-6, lực lượng chức năng đã cưỡng chế đưa các tàu này về vị trí quy định. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà ngày 4-6 tàu Thảo Vân 2 vẫn hoạt động dẫn tới bị chìm (!?).

__________________________________

Năm 2015, Tiền Giang đón hơn 1,5 triệu du khách, trong đó có khoảng 60% khách du lịch bằng phương tiện đường thủy. Toàn tỉnh có 340 tàu du lịch cùng hơn 300 phương tiện đò chèo. Thời gian qua, tỉnh chưa xảy ra sự cố liên quan đến hoạt động du lịch đường thủy, cũng chưa phát hiện phương tiện chở khách không có giấy phép.

Ông NGUYỄN TẤN PHONG, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL
tỉnh Tiền Giang

Mọi hoạt động du lịch đường thủy tại Tiền Giang đều được kiểm soát chặt qua bốn bến tàu, hai bến tại TP Mỹ Tho và hai bến tại huyện Cái Bè. Tại mỗi bến đều có ban quản lý giám sát chặt chẽ điều kiện an toàn như áo phao, số lượng khách, tàu nào đúng quy định mới được xuất bến. Ngoài ra tỉnh cũng chỉ cấp phép hoạt động du lịch vào ban ngày để thuận lợi cho việc quản lý.

Ông HUỲNH VĂN NGUYỆN,
Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang

HOÀNG NAM ghi

Tại Cần Thơ có hai doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch có phòng ngủ với tổng số chín tàu, trọng tải 204 khách. Cạnh đó có 148 tàu không có phòng ngủ với sức chở hơn 1.400 người (55 tàu do tám khách sạn, công ty du lịch khai thác cùng 93 tàu hoạt động tự do). Các tàu này tuân thủ khá tốt quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Trong đợt kiểm tra vào tháng 5 vừa qua, Sở chưa phát hiện lỗi nào nghiêm trọng.

NGUYỄN HOÀNG DIỄM, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở VHTT&DL TP Cần Thơ

N.NAM ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm