Sau đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang: Tiếp theo thế nào?

“Ông Tất Thành Cang là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì trung ương phải làm trước. Quy trình xử lý như thế nào sẽ phụ thuộc vào các vấn đề chung của công việc” - bà Thủy nói và không giải thích gì thêm.

Trước đó, tin từ Thành ủy TP.HCM cho hay Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất kết luận ông Tất Thành Cang có bốn vi phạm liên quan việc Công ty Tân Thuận - doanh nghiệp thuộc sở hữu của Thành ủy chuyển nhượng dự án khu dân cư Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Cụ thể: Quyết định không đúng thẩm quyền; vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tài sản, đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước về kinh doanh bất động sản; không đảm bảo quy trình, nguyên tắc xử lý công việc của Đảng bộ TP.HCM; thiếu kiểm tra trong triển khai thực hiện các quyết định của mình. Và do đó, Ban Thường vụ đề xuất kỷ luật ông Cang và giao UBKT Thành ủy tập hợp đầy đủ hồ sơ tài liệu có liên quan để gửi, báo cáo UBKT trung ương xem xét, xử lý theo quy định của Đảng.

Vậy tại sao đã kết luận sai phạm của ông Cang mà Ban Thường vụ không kỷ luật luôn?

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên UBKT Trung ương, cho biết theo điều lệ Đảng, chi bộ cũng có quyền kiểm tra, kỷ luật đảng viên sinh hoạt trong chi bộ, kể cả người đó là đảng viên cấp cao. Tương tự, cấp ủy các cấp cũng có quyền kiểm tra, xử lý kỷ luật thành viên của mình.

“Tuy nhiên, đấy chỉ là với các vi phạm đơn giản, rõ ràng, thuộc các vấn đề đạo đức, lối sống. Còn các vi phạm thuộc về công tác, công việc do cấp trên giao thì phải cấp trên mới có thẩm quyền kết luận và phải gắn với phân cấp quản lý cán bộ. Trường hợp ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương, là thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Vì vậy, thẩm quyền kiểm tra, kết luận dấu hiệu sai phạm là của UBKT Trung ương” - bà Ngà giải thích.

Một cán bộ cấp vụ tại UBKT Trung ương nhận xét: Sai phạm trong việc sang nhượng dự án của Công ty Tân Thuận là do Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM chủ động phát hiện. Về nguyên tắc, tất cả tổ chức Đảng đều phải tự kiểm tra, giám sát nên việc Ban Thường vụ phát hiện sai phạm, yêu cầu các đảng viên liên quan, bao gồm cả ông Cang báo cáo, kiểm điểm là bình thường, đáng hoan nghênh. Thậm chí nếu thấy sai phạm rõ ràng, Ban Thường vụ còn có thể bỏ phiếu đề xuất hình thức kỷ luật.

“Nhưng các kết luận, đề xuất kỷ luật ấy chỉ là tham khảo. UBKT Trung ương vẫn phải lập đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và ra kết luận chính thức. Vì ông Cang là ủy viên Trung ương nên nếu thấy sai phạm đến mức kỷ luật, UBKT sẽ đề nghị Bộ Chính trị kỷ luật. Trong thẩm quyền của mình, Bộ Chính trị có thể thi hành kỷ luật đến cảnh cáo. Nếu mức cao hơn, Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương quyết định” - nguồn tin phân tích.

Trong thẩm quyền của mình, UBKT Thành ủy đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm tại Công ty Tân Thuận và đi đến quyết định thi hành kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến cách chức nhiều cá nhân tại doanh nghiệp trực thuộc thành ủy này.

Cụ thể: Cách hết chức vụ trong Đảng và đề nghị Văn phòng Thành ủy cách chức thành viên HĐTV và tổng giám đốc Công ty Tân Thuận đối với ông Trần Công Thiện; cảnh cáo đối với ông Nguyễn Hoàng Việt - kiểm soát viên Công ty Tân Thuận. Ông Trần Tấn Hải - Phó Tổng Giám đốc, ông Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Kinh tế tổng hợp và bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - kế toán trưởng của Tân Thuận cũng bị kỷ luật với hình thức khiển trách. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm