Sạt lở ĐBSCL: 'Chưa từng có trong lịch sử'

Cụ thể, tại phiên chất vấn bộ trưởng Bộ NN&PTNT vào chiều 13-6, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nêu vấn đề: Hiện đồng bào ĐBSCL vô cùng lo lắng và bức xúc về tình trạng sạt lở tại ĐBSCL, đặc biệt “rất nghiêm trọng về phạm vi, cường độ” ở các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau…

ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết.

Sạt lở đã ảnh hưởng đến đời sống của hơn 20.000 hộ dân, đời sống người dân rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã hỗ trợ nhiều giải pháp cấp bách, còn giải pháp căn cơ thì trong điều kiện nguồn lực của địa phương là vô cùng khó khăn, do vậy ĐBSCL rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ.

“Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì giúp người dân ổn định cuộc sống, giúp địa phương khắc phục sạt lở khẩn cấp cũng như có giải pháp chiến lược lâu dài, tạo điều kiện cho ĐBSCL phát triển bền vững…?” - ĐB Tuyết đặt câu hỏi.

Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường còn nhấn mạnh thêm: “Đúng là ta đang đối mặt với biến đổi khí hậu, không riêng gì ĐBSCL mà các vùng khác nhưng trong đó ĐBSCL tổn thương rất lớn. Trong lịch sử kiến tạo, chưa bao giờ ĐBSCL chịu tác động tổn thương như bây giờ”.

Bộ trưởng Cường cho hay hiện ĐBSCL tổn thương ngoài quy luật của tự nhiên. ĐBSCL đang thay đổi một cách nhanh chóng. Đây là nguồn nuôi dưỡng, sinh ra cái đồng bằng này. Hoạt động kinh tế, từ dòng sông, trên mặt đất đều bị ảnh hưởng. Trở thành một nguy cơ, mà vùng này tác động một cách ghê gớm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Ở đây có hai nhóm sạt lở bờ biển và bờ sông. Trong đó sạt lở biển từ Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng…, còn sạt lở sông thì các tỉnh dọc hai nhánh sông Tiền, sông Hậu (An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ…) bị ảnh hưởng.

“Hiện Chính Phủ giao Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT điều tra, khảo sát. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận đối phó. Có 41 tỉnh bờ biển bị ảnh hưởng, chỉ có một số tỉnh được đầu tư kinh phí. Bờ sông có 524 đoạn có tới 49 km, trong đó có những đoạn rất nguy hiểm cần phải xử lý khẩn cấp, chưa nói đến lâu dài.

Khu vực Vàm Nao của An Giang; Đồng Tháp bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều nguy cơ… Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, chúng tôi cũng đã báo cáo, tham mưu Chính phủ tức thì có ngay hỗ trợ khẩn cấp để thứ nhất là đảm bảo an toàn cho người dân, thứ hai là giảm thiểu các thiệt hại khác.

Riêng vùng này phải có sự đánh giá, quan trắc, rà soát tổng hợp để có giải pháp căn cơ” - Bộ trưởng Cường nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm