Sạt lở đang là hiện tượng “nóng” nhất ở Cần Thơ

Theo bà Lập, chỉ trong 3 tháng (từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 6) trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra 11 vụ sạt lở bờ sông gây nhiều thiệt hại về sinh mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Từ “nóng” hiện tượng sạt lở…

Thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ (BCH PCLB-TKCN) cho thấy tại quận Ninh Kiều, ngày 24/4 sạt lở bờ sông Rạch Ngỗng thuộc phường An Hòa làm sụp 2 căn nhà xuống sông, ước tính thiệt hại 50 triệu đồng; Ngày 11-12/5, tại phường An Bình xảy ra lún, nứt lộ cặp bờ sông với chiều dài cả trăm mét; Ngày 15/6, cũng tại phường An Bình có 2 căn nhà liền kề xuất hiện các vết nứt tường dài từ 2-5m và có hiện tượng sụp, lún 5 căn nhà khác.

Sạt lở đang là hiện tượng “nóng” nhất ở Cần Thơ ảnh 1
Sạt lở chợ Rạch Cam (quận Bình Thủy) ngày 9/5 khiến 2 người chết.
Tại huyện Phong Điền, ngày 2/5 ở xã Mỹ Khánh xảy ra sạt lở bờ sông gây ảnh hưởng nghiêm trọng 3 căn nhà, ước thiệt hại 100 triệu đồng. Còn tại quận Thốt Nốt, đầu tháng 6/2011 xảy ra 4 vụ sạt lở dài 205m gây ảnh hưởng đến nhà của 24 hộ dân; Ngày 15/6, xảy ra sạt lở bờ kênh Thốt Nốt với chiều dài 28m, rộng 5m thuộc phường Trung Nhứt làm sụp, lún 4 căn nhà, 3 căn nhà bị sập, ước thiệt hại 1,2 tỷ đồng; Ngày 18/6, cũng tại phường Trung Nhứt xuất hiện thêm một đoạn sụp lún, nứt dài 21m làm 3 nhà dân và 1 nhà kho sụp xuống sông, ước thiệt hại 900 triệu đồng. Theo bà Vương Thị Lập, quận Bình Thủy là địa phương “nóng” nhất về hiện tượng sạt lở ở TP Cần Thơ trong 7 tháng qua. Bà Lập cho biết, ngày 9/5 xảy ra sạt lở chợ Rạch Cam thuộc phường Long Hòa có chiều dài 40m làm 12 sạp hàng sụp xuống sông, 5 người bị thương và 2 người chết; Ngày 18/6, cũng tại phường Long Hòa, một đoạn lộ cách cầu Rạch Cam khoảng 80m bất ngờ bị sụp xuống sông, đoạn sạt lở dài 15m, rộng 5m làm gián đoạn việc đi lại của người dân trên tuyến tỉnh lộ 918, ước thiệt hại 1 tỷ đồng. Bà Lập đánh giá, qua các thống kê cho thấy tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn TP Cần Thơ đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp. Theo bà Lập, giai đoạn từ năm 2004 khi TP Cần Thơ được chia tách, giá cả đất đai bắt đầu tăng, áp lực về chỗ ở trong dân càng tăng theo khiến cho mật độ dân cư sống ven sông cũng tăng nên xảy ra tình trạng lấn chiếm gần bờ sông, càng gia tải thì càng tăng mức độ rủi ro đối với sạt lở. Bà Lập ước tính, từ năm 2007 đến nay, sạt lở đã làm thương vong 9 người, gây hư hại đe dọa tới 230 căn nhà, ki-ốt, nhà kho, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. … đến lo ngại về lốc xoáyBà Vương Thị Lập cho biết thêm, ở Cần Thơ cũng thường xuyên xảy ra lốc xoáy làm hư hại nhà cửa. Đây cũng là hiện tượng rất đáng lo ngại vì gây thiệt hại không nhỏ. Trong 7 tháng qua xảy ra 14 đợt lốc xoáy làm 69 căn nhà bị sập hoàn toàn, 68 căn nhà bị tốc mái, ước thiệt hại trên 4,3 tỷ đồng. Trong đó, từ tháng 3 đến tháng 6 xảy ra nhiều đợt lốc xoáy làm 48 căn nhà bị sập hoàn toàn, 38 căn nhà bị tốc mái, bị thương 3 người. Chỉ tính riêng tháng 7, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, xảy ra lốc xoáy làm 19 căn nhà bị sập, 22 căn bị tốc mái, 1 trường học bị tốc mái 9 phòng học; thiệt hại nặng nhất là ở huyện Cờ Đỏ. Cũng theo bà Lập, ngoài hiện tượng lốc xoáy thì thời gian qua, trên địa bàn Cần Thơ cũng xảy ra hiện tượng sét đánh làm 1 người chết ở huyện Vĩnh Thạnh. Cũng ở huyện Vĩnh Thạnh còn xảy ra 2 vụ tai nạn chết đuối làm 2 em bé (cả hai đều cùng 3 tuổi) bị chết đuối. Công tác phòng chốngBà Vương Thị Lập cho rằng, sét đánh và lốc xoáy là hai thiên tai xảy ra bất thường, khó lường trước được nên thực hiện biện pháp phòng tránh là chủ yếu. Còn sạt lở bờ sông xảy ra hàng năm gây thiệt hại nặng về người và tài sản do đó cần tập trung thực hiện hai nhóm biện pháp công trình và phi công trình để phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở bờ sông gây ra. Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Quỳnh - Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Phó ban BCH PCLB-TKCN TP Cần Thơ, thì cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cho cán bộ, nhân viên các ngành và cộng đồng dân cư. Theo ông Quỳnh, cần thực hiện nhuần nhuyễn phương châm “Ba sẵn sàng”, trong đó lấy phòng tránh là chính; phương châm “Bốn tại chỗ” và cũng cần thực hiện “Xã hội hóa” trong công tác phòng tránh, nhất là trong công tác huy động công sức đóng góp của cộng đồng trong cứu trợ, cứu nạn. Ông Quỳnh khuyến cáo: Người dân đi làm đồng khi gặp trời mưa thì cần tìm nơi ẩn trốn để tránh bị sét đánh; tiến hành chằng chống nhà cửa để hạn chế bị sập đổ, tốc mái khi có lốc xoáy đi qua; gia cố phòng tránh sạt lở bờ sông và kịp thời di dời dân đến nơi an toàn ở những khu vực có sạt lở cao”. Chỉ đạo công tác phòng tránh thiên tai những tháng cuối năm 2011, ông Đào Anh Dũng- Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban BCH PCLB-TKCN TP Cần Thơ - yêu cầu, các Sở, ngành cần xây dựng kế hoạch chủ động xử lý kịp thời khi có các tình huống xấu xảy ra. Ông Dũng đề nghị, các quận, huyện cần chỉ đạo các xã, phường, thị trấn có biện pháp hướng dẫn, tổ chức và giúp đỡ người dân trong việc chằng chống, nhà cửa, trường học, trạm xá để đối phó với lốc xoáy. Các bên liên quan cần thường xuyên đi kiểm tra, giám sát tình hình lún, nứt, sạt lở bờ sông trên địa bàn, nhất là ở khu vực đông dân cư để kịp thời cảnh báo và tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn.
Theo Huỳnh Hải (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm