Sắp xếp lại các doanh nghiệp quân đội

Sáng 11-7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN), đã chủ trì cuộc họp sơ kết công việc sáu tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo.

Doanh nghiệp kinh tế đơn thuần thì sắp xếp lại

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường cho biết trước đây Bộ có 116 DN, nay còn 88 DN (đa số DN quân đội chủ yếu là các nhà máy, xí nghiệp thực hiện các nhiệm vụ sửa chữa vũ khí, trang bị, đóng tàu cho nhiệm vụ quốc phòng an ninh). “Sau này rộ lên các công ty, tổng công ty 90, 91 thật ra là nâng từ xí nghiệp, nhà máy lên công ty” - Thứ trưởng Trường lý giải.

Theo Thứ trưởng Bế Xuân Trường, Bộ Quốc phòng hoàn toàn ủng hộ việc thực hiện đề án sắp xếp đổi mới DN của Chính phủ. Theo kế hoạch, Bộ cổ phần hóa 51 DN, thoái vốn 21 DN, giải thể bảy DN. Đến nay Bộ đã cổ phần hóa 31 DN, dự kiến cổ phần hóa thêm sáu DN trong năm nay. Bộ cũng thực hiện thoái vốn được 19 DN, giải thể ba DN…

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị DN nào thực sự làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh thì giữ, DN kinh tế đơn thuần thì sắp xếp lại.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì họp Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

Vì sao TP.HCM chậm cổ phần hóa

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết trong 137 DN nhà nước cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 thì cả nước sẽ phải cổ phần hóa 45 DN trong năm nay. Tuy nhiên, sáu tháng đầu năm mới hoàn thành cổ phần hóa sáu DN. Ông Hà nhận xét tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN diễn ra chậm, đạt tỉ lệ thấp trong sáu tháng đầu năm. Đặc biệt, TP.HCM chậm nhất trong các đơn vị khi chưa có DN nào được cổ phần hóa.

Giải trình sau đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết trong 39 DN nhà nước phải cổ phần hóa thì đa phần là các công ty công ích, đang bị chậm thực hiện vì đang xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tuy nhiên, hiện nay các DN nhà nước này đều hoàn thành kiểm kê tài sản, tiêu chí nhà đầu tư chiến lược. Khi Thành ủy phê duyệt, TP sẽ thực hiện xong trong năm 2018.

Ông Liêm cũng cho rằng cần thận trọng trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước bởi nếu “tung” ra ồ ạt thì thị trường cũng không thể “tiêu hóa” nổi một lượng lớn tài sản của Nhà nước.

Ông Nguyễn Trọng Sang, Trưởng ban Đổi mới và phát triển DN của TP.HCM, cho biết thêm năm nay TP.HCM sẽ thoái vốn ở 10 công ty mẹ với giá trị sổ sách là 2.292 tỉ đồng. Qua sáu tháng, TP đã thoái 287 tỉ đồng giá trị vốn, thu về 1.110 tỉ đồng. Trung tuần tháng 7 này, TP sẽ có báo cáo kế hoạch thoái vốn tới năm 2020.

Làm nhanh mà ẩu thì đáng phê phán

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra những hạn chế như tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn không đạt yêu cầu, mục tiêu, kế hoạch đặt ra dẫn đến dồn việc cho sáu tháng cuối năm, nhất là 578 DN chưa đăng ký niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán theo quy định.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý: “Làm chậm mà chắc, làm đến đâu tốt đến đó, đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước. Làm nhanh mà làm ẩu, sai phạm là rất đáng phê phán”.

Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân của hạn chế chính là nhiều DN chưa thật quyết liệt trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn. “Dứt khoát phải phấn đấu để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn của năm 2017, thậm chí vượt mức số lượng DN cổ phần hóa, thoái vốn và cả chỉ tiêu thu ngân sách từ thoái vốn” - Phó Thủ tướng yêu cầu.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.