Sập mái hội trường ở Hậu Giang: Phòng ban xin rút kinh nghiệm

UBND huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh báo cáo về việc tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan đến sự cố sập mái hội trường 250 chỗ thuộc công trình khu hành chính UBND thị trấn Ngã Sáu.

Sự cố sập mái ở hội trường UBDN thị trấn Ngã Sáu gây thiệt hại hơn 1 tỉ đồng. Ảnh: CHÂU ANH

Cụ thể, UBND huyện đã tiến hành tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể và các cá nhân có liên quan để xảy ra sự cố công trình, gồm: trưởng phòng và tập thể lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng (KT-HT), giám đốc và tập thể lãnh đạo Ban Quản lý dự án – Đầu tư xây dựng (QLDA-ĐTXD) huyện.

Theo đó, tập thể thống nhất kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các tập thể và cá nhân nêu trên. Cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo Ban QLDA-ĐTXD huyện (chủ đầu tư công trình), cùng các đơn vị tham gia dự án kiểm tra, rà soát đánh giá thực tế lại toàn bộ công trình. Từ đó, tiến hành xử lý sự cố triệt để theo phương án do đơn vị kiểm định đề xuất.

“Đơn vị thi công hoàn thành tháo dỡ toàn bộ hệ khung, vỉ kèo, mái hội trường vào ngày 26-11-2019. Sau khi được UBND huyện thống nhất phương án thiết kế, kết cấu theo yêu cầu của Sở Xây dựng, chủ đầu tư và đơn vị thi công tiến hành gia cường các cột bê tông cốt thép và thi công khắc phục lại hội trường” – báo cáo nêu.

Trong biên bản kiểm điểm tập thể Phòng KT-HT huyện, đơn vị này cũng thừa nhận khuyết điểm là do năng lực lãnh đạo, chỉ đạo trong thẩm định các dự án đầu tư trên địa bàn chưa sâu sát, năng lực chuyện môn còn yếu, chưa đáp ứng nhu cầu công việc.

“Nghiêm túc tiếp thu, nhận khuyết điểm hạn chế trong công tác tham mưu UBND huyện quản lý chất lượng công trình. Thường xuyên nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ chuyện môn nghiệp vụ, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng” - tập thể Phòng KT-HT đưa ra hướng khắc phục trong bản kiểm điểm.

Nguyên nhân trực tiếp là kết cấu mái thép thi công thực tế không đảm bảo khả năng chịu lực, vít liên kết của một số vì kèo không đúng chủng loại, không đảm bảo khả năng chịu lực. Ảnh: CHÂU ANH

Còn trong bản kiểm kiểm vai trò, trách nhiệm của tập thể Ban QLDA-ĐTXD huyện Châu Thành, đơn vị cũng đã nêu ra khuyết điểm trong sự cố sập mái hội trường thị trấn là do ban lãnh đạo chưa thực hiện tốt việc lựa chọn các tổ chức, cá nhân tham gia dự án khi chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực hoạt động theo quy định của Bộ Xây dựng. Thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát để dẫn đến sự cố công trình.

Từ đó, tập thể đơn vị đề ra biện pháp khắc phục đối với sự cố này, cụ thể, phối hợp và yêu cầu các đơn vị có liên quan để xảy ra sự cố công trình nhằm khắc phục, bồi thường thiệt hại và chi phí có liên quan. Thường xuyên kiểm tra toàn diện các hạng mục còn lại của công trình, yêu cầu sửa chữa, chủ yếu là kết cấu mái thiết kế hội trường 250 chỗ.

 

Sau tám tháng bàn giao đưa vào sử dụng, sáng 10-8-2019, hạng mục hội trường thuộc công trình khu hành chính UBND thị trấn Ngã Sáu bất ngờ bị sập mái, may mắn chỉ thiệt hại về cơ sở vật chất, không thiệt hại về người.

Công trình khu hành chính UBND thị trấn Ngã Sáu có tổng diện tích hơn 4.400 m2, tổng mức đầu tư là 15 tỉ đồng. Trong đó nguồn vốn từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất trụ sở thị trấn Ngã Sáu là 11,3 tỉ đồng, còn lại là ngân sách địa phương.

Sập mái hội trường ở Hậu Giang: Phòng ban xin rút kinh nghiệm ảnh 3
Hiện trường vụ sập mái hội trường thị trấn Ngã Sáu hồi tháng 8-2019. Ảnh: CHÂU ANH

Theo kết luận của Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng), có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố sập mái, trong đó nguyên nhân trực tiếp là kết cấu mái thép thi công thực tế không đảm bảo khả năng chịu lực, vít liên kết của một số vì kèo không đúng chủng loại, không đảm bảo khả năng chịu lực, số lượng vĩ kèo mái trên thiết kế là 21 thanh, tuy nhiên trên thực tế chỉ có 19 thanh.

Kết cấu mái thực tế không có hệ thống giằng chéo theo phương dọc nhà như thiết kế, không có bản tính toán thiết kế kết cấu từ móng đến mái, do đó thiết kế không đủ khả năng chịu tải dẫn đến sập đổ.

Từ đó, Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang xác định Ban QLDA-ĐTXD huyện thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm, lựa chọn các tổ chức, cá nhân tham gia dự án khi chưa đáp ứng yêu cầu năng lực, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát.

Nhà thầu thi công không có lý lịch máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động khi đưa vào công trình, thi công chưa tuân thủ quy định hồ sơ thiết kế được duyệt, không mua bảo hiểm đối với người lao động; nhiều đơn vị tham gia thực hiện công trình này chưa có chứng chỉ hoạt động xây dựng của tổ chức theo quy định tại Thông tư số 17/2016 của Bộ Xây dựng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm