Sang tên nhà: Bảy tháng chưa xong!

Tính đến tháng 11-2013 là đúng bảy tháng bà Nguyễn Thị Liên đi làm thủ tục sang tên căn nhà tại địa chỉ 47 đường số 15, khu phố 3, phường Tân Kiểng, quận 7, TP.HCM. Nhưng tới nay hồ sơ của bà vẫn chưa được giải quyết.

Quận hướng dẫn lòng vòng

Tháng 3-2013, bà Liên phải bán nhà để lấy tiền trả nợ. Sau khi thỏa thuận giá cả, bà Liên nộp hồ sơ làm thủ tục sang tên cho người mua tại UBND quận 7. Khi kiểm tra hồ sơ, phát hiện diện tích sử dụng thực tế không giống với giấy chứng nhận, Phòng TN&MT quận đã trả hồ sơ và yêu cầu bà lập thủ tục cấp đổi lại giấy chứng nhận theo đúng như hiện trạng.

Ngoài sai lệch diện tích căn nhà trên giấy chứng nhận, diện tích căn nhà bà Liên có phát sinh thêm 7,65 m2 do lấp lỗ thông tầng. Đội Thanh tra xây dựng địa bàn quận 7 xác định việc vi phạm này xảy ra vào năm 2007 (trước thời điểm Nghị định 23/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng có hiệu lực) nên đã hết thời hiệu xử phạt. Thế nhưng Phòng TN&MT quận 7 tiếp tục trả hồ sơ và yêu cầu bà liên hệ Phòng Quản lý đô thị để xử lý phần diện tích tăng thêm này. Đến Phòng Quản lý đô thị thì bà Liên không nộp được hồ sơ do… quận chưa có quy trình tiếp nhận hồ sơ. “Tôi đã làm theo tất cả chỉ dẫn nhưng vẫn không được giải quyết. Bên mua dọa hủy hợp đồng vì bảy tháng vẫn chưa sang tên được” - bà Liên bức xúc.

Sang tên nhà: Bảy tháng chưa xong! ảnh 1

Căn nhà của bà Liên tại phường Tân Kiểng, quận 7. Ảnh: V.HOA

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Út, Phó phòng TN&MT quận 7, cho biết Phòng Quản lý đô thị quận không nhận hồ sơ của bà Liên vì thời điểm đó UBND quận chưa ban hành quy trình tiếp nhận hồ sơ của người dân. Ngoài ra, ông Út cho rằng văn bản của Đội Thanh tra xây dựng không có giá trị pháp lý, dù có đủ chữ ký của đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng địa bàn quận 7 và có đóng dấu của cơ quan này (?).

Theo đúng luật mà làm

Thông tư 24/2009 của Bộ Xây dựng nêu rõ: Nếu công trình xây dựng vi phạm về số tầng, diện tích xây dựng, nằm trong quy hoạch khu dân cư ổn định, không ảnh hưởng đến công trình lân cận thì được phép giữ nguyên hiện trạng.

Mặt khác, văn bản của Đội Thanh tra Xây dựng địa bàn quận 7 đã xác nhận vị trí nhà bà Liên thuộc khu dân cư hiện hữu, chưa có quy hoạch tỉ lệ 1/500 được duyệt nên được tồn tại và không phải lập thủ tục xử phạt.

Dù vậy, Phòng TN&MT quận 7 vẫn không cập nhật biến động cho bà Liên mà hướng dẫn lòng vòng và cuối cùng không nhận hồ sơ dù bà Liên đã làm đúng quy trình, phần vi phạm cũng đã có quy định rõ không xử lý. Sau khi PV có giấy đề nghị trao đổi thông tin với lãnh đạo UBND quận về trường hợp nêu trên (ngày 25-10), ngày 31-10, Phòng TN&MT mới có tờ trình tham mưu lãnh đạo quận giải quyết theo hướng dẫn của Thông tư 24.

Trên tinh thần đó, quận sẽ giải quyết hồ sơ cập nhật biến động nhưng không công nhận phần diện tích phát sinh cho bà Liên, đồng thời giải quyết thủ tục sang tên cho bên nhận chuyển nhượng. Phần diện tích phát sinh 7,65 m2 chủ nhà sẽ phải tự phá dỡ mà không được bồi thường khi khu vực này có quy hoạch 1/500.

Thông tư 20/2010 của Bộ TN&MT quy định khi cấp đổi giấy chứng nhận thì cơ quan chức năng không được yêu cầu người dân đo vẽ lại. Tuy nhiên, quận 7 vẫn hướng dẫn bà Liên phải tự thuê đơn vị đo vẽ lại hiện trạng để bổ sung hồ sơ. Trao đổi với PV, ông Út vẫn khẳng định việc yêu cầu người dân đo vẽ lại hiện trạng là đúng quy định!

VIỆT HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm