'Rất đau buồn vụ dâm ô ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM'

Chiều 7-12, tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa IX, nhiều đại biểu đã đề cập đến vụ việc dâm ô trẻ em xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM (quận Bình Thạnh).
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung (quận 7) cho rằng bà rất bất ngờ trước sự việc cán bộ của trung tâm có hành vi dâm ô trẻ em. Bà đề nghị Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phải rà soát, xem xét việc quản lý, chăm sóc các bé tại các trung tâm bảo trợ xã hội đã hết trách nhiệm chưa, từ đó đánh giá lại hiệu quả đến đâu.

Đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo nói tại phiên thảo luận. Ảnh: LÊ THOA

Đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo (quận 6) cũng cho biết năm 2019 tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng gia tăng và ngày một phức tạp hơn. “Một số vụ án nổi trội như vụ xâm hại tại chung cư Galaxy quận 4, xâm hại tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM với tính chất vô cùng phức tạp” - bà Thảo nói và đề nghị cần nâng cao vai trò của lực lượng công an trong tuyên truyền, đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Chia sẻ với các đại biểu, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Minh Tấn, cho biết hiện nay sở có 17 trung tâm bảo trợ xã hội, quản lý hơn 6.300 đối tượng là các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật, các đối tượng lang thang, bị bỏ rơi… với hơn 1.870 cán bộ, công chức, nhân viên.
Theo ông Tấn, việc quản lý các trung tâm này gặp nhiều khó khăn như nhiều đối tượng phức tạp, 6/17 trung tâm là ở ngoài địa bàn TP, có những trung tâm ở rất xa, ở tận Đắk Lắk. “Việc chăm sóc cũng vất vả khi có nhiều đối tượng bị liệt, nằm một chỗ…” - ông Tấn nói và khẳng định dù gặp khó khăn nhưng các đối tượng này được các trung tâm chăm sóc chu đáo.
“Đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên đa số đều là những người tốt, tận tâm, hết lòng vì công việc. Họ làm việc rất vất vả nhưng chế độ lương, bổng cũng chỉ tương đối. Tuy nhiên, cũng có một số cán bộ, nhân viên chưa tốt. Với những người chưa tốt thì sở sẽ giáo dục và chấn chỉnh” - ông Tấn nói.

Ông Lê Minh Tấn nói rất đau buồn trước vụ việc dâm ô ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM. Ảnh: TÁ LÂM

Đối với vụ việc xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM, ông Lê Minh Tấn cho rằng đây là sự việc xảy ra ngoài ý muốn của sở. “Rất là đau buồn trước sự việc trên. Do đó, sở hạ quyết tâm hạn chế thấp nhất và không để xảy ra tình trạng trên” - ông Tấn nói và khẳng định sở cũng đang tiến hành kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, công chức, nhân viên có liên quan đến vụ việc. Việc kiểm điểm này từ ban giám đốc, giám đốc, phó giám đốc trung tâm, trưởng các phòng ban, cán bộ liên quan.

Ông Tấn cũng cho rằng sự việc xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM là một bài học chung cho công tác quản lý, chăm sóc học viên tại các trung tâm. “Hiện sở đang rà soát tất cả 17 trung tâm để chấn chỉnh nội dung, quy chế, quản lý, chăm sóc học viên” - ông Tấn nói.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết vấn đề giáo dục giới tính và phòng chống xâm hại hiện nay đã rất được quan tâm, đã mở, thoáng hơn nhiều so với trước đây, từ ngoại khóa tới chính khóa. Từ giáo dục mầm non đã bắt đầu có các tiết về kỹ năng vệ sinh thân thể, hoặc cấp tiểu học cũng có những tiết học để các em phân biệt nam và nữ.
Theo đại diện sở này, hoạt động ngoại khóa về chủ đề này ngày càng nhiều, với các chương trình dự án lớn. Cấp mầm non năm học vừa rồi đã có thí điểm ở 10 quận/huyện, sau đó được triển khai rộng khắp, tập huấn cho cả giáo viên.
Về phòng chống xâm hại, ngành giáo dục phối hợp với công an hướng dẫn cho học sinh kỹ năng tự vệ, hiểu biết pháp luật, hiểu biết những hành vi như thế nào là vi phạm pháp luật. Chừng 5-6 năm trở lại đây mỗi năm đều có chương trình rất công phu giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tư pháp tổ chức các cuộc thi tìm hiểu cho học sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm