‘Quốc nạn sẽ hạ đo ván quốc sách’

Bộ máy công vụ vốn đã rất cồng kềnh, lại ngày càng phình to không chỉ ngốn một phần khổng lồ của ngân sách, mà nhiều “căn bệnh” bên trong nó như tham nhũng, lãng phí đang làm suy yếu sức mạnh của quốc gia. Cùng đó là vấn nạn thực phẩm độc hại đe dọa an nguy đời sống của nhân dân… Đây là hai vấn đề nổi cộm được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) gióng lên hồi chuông cảnh báo trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 1-4 về tình hình kinh tế-xã hội.

Môi trường công vụ đang bị “ô nhiễm”

ĐB Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) nêu vấn đề: “Bộ máy hệ thống chính trị của ta quá cồng kềnh, hằng năm ngốn hàng triệu tỉ đồng”. Vấn đề là từ trung ương đến địa phương ai cũng thấy điều này nhưng đến nay vấn đề vẫn như cũ, không được giải quyết”. Dẫn mô hình nhất thể hóa một số tổ chức Đảng và Nhà nước đang thí điểm tại Quảng Ninh, ông Tiến đề nghị Đảng, QH, Chính phủ sớm nghiên cứu và giải quyết quyết liệt, chỉ đạo thực hiện nhằm tinh giản biên chế, giải quyết vấn đề dôi dư cán bộ.

Cùng bàn về bộ máy công vụ, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nhấn mạnh khía cạnh môi trường công vụ hiện nay đang bị “ô nhiễm” nghiêm trọng với nạn tham nhũng, chạy chức, chạy quyền. Theo ĐB Tiến, một khi cơ chế xin-cho vẫn còn đất sống thì người dân, doanh nghiệp còn bị nhũng nhiễu dài dài. “Tham nhũng lớn, tham nhũng vặt, đến mức người đứng đầu của Đảng phải đặt câu hỏi “cái gì cũng chạy, chạy chức, chạy quyền, chạy cả luân chuyển, vậy chạy ai, ai chạy””. Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri với tâm trạng đầy băn khoăn, trăn trở về quốc nạn tham nhũng. Thủ tướng Chính phủ từng khẳng định dù đau đớn cũng phải kiên quyết cắt bỏ những ung nhọt tham nhũng. Phó Chủ tịch nước thì ray rứt “họ ăn của dân không từ một cái gì”. ĐBQH đầy lo âu rằng quốc nạn có nguy cơ hạ đo ván quốc sách. Đó là những câu hỏi đang treo lơ lửng, còn chờ câu trả lời của các cơ quan bảo vệ pháp luật để cho môi trường xã hội được trong lành hơn và sạch hơn” - ĐB Tiến nói.

Trước những yếu kém, hạn chế của nền công vụ, một số ĐB đề nghị cần phải có giải pháp cương quyết như xây dựng Luật Hành chính công, xây dựng văn hóa hành chính công, tinh giản bộ máy, thiết lập kỷ cương hành chính… “Có cử tri nói rằng chúng tôi phải chờ lâu quá, con đường dài nhất về Việt Nam không phải là từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau mà là từ lời nói đến việc làm của nhiều cấp chính quyền và công chức” - ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) bày tỏ.

ĐBQH Lê Như Tiến: “ĐBQH đầy lo âu rằng quốc nạn có nguy cơ hạ đo ván quốc sách”. ĐQBH Lê Thị Nga: “Không ít người vô cảm khi trục lợi trên sự sống chết của đồng bào mình”. Ảnh: QH

“Trục lợi” trên sự sống chết của đồng bào mình

Một vấn đề khác cũng làm nóng nghị trường hôm qua là chuyện thực phẩm bẩn đang khuynh đảo cuộc sống dân chúng.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu vấn đề: “Vấn nạn thực phẩm không an toàn là một trong những nguyên nhân khiến bệnh ung thư ở nước ta tăng cao những năm qua và đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình Việt Nam”.

ĐB Lê Thị Nga lên án: “Không ít người hoặc do thiếu hiểu biết, hoặc chạy theo lợi nhuận mà bất chấp hậu quả đối với sức khỏe và an toàn của cộng đồng. Số người này vô cảm, thậm chí tàn ác khi trục lợi trên sự sống chết của đồng bào mình. Đạo đức xuống cấp và pháp luật không nghiêm đã dung dưỡng cho họ”. Bà Nga cho rằng sự nguy hại của thực phẩm bẩn đã ở mức báo động cao nhất, nó đang đẩy người dân vào “thế tiến thoái lưỡng nan, không ăn không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh tật đến lúc nào biết lúc đó”.

Phân tích thêm, ĐB Nga chỉ rõ mặc dù hệ thống pháp luật điều chỉnh về an toàn thực phẩm đã khá đầy đủ, phân rõ trách nhiệm nhưng vi phạm vẫn nhiều do việc thực thi pháp luật quá yếu kém. “Nhiều cấp, nhiều ngành không thực thi đầy đủ nhiệm vụ, buông lỏng quản lý. Cá biệt có trường hợp tiếp tay làm ngơ cho sai phạm nhưng không bị phát hiện, xử lý. Sự chia cắt và thiếu phối hợp trong quản lý dẫn đến khi có vụ việc xảy ra ai cũng khẳng định mình làm đúng quy trình và cuối cùng không quy được trách nhiệm” - ĐB Nga nói.

Dẫn chứng về đường đi của chất salbutamol, một chất có tác hại lớn với con người khi dùng làm thức ăn chăn nuôi nhưng lại có tác dụng sản xuất thuốc chữa bệnh, bị Bộ Nông nghiệp cấm nhập nhưng lại được Bộ Y tế cho phép nhập (với số lượng lớn được nhập vào (hơn chín tấn trong hai năm).

“Hiện nay chưa ai trả lời được bao nhiêu tấn trong chín tấn đó dùng vào sản xuất thuốc, có bao nhiêu tấn bị sử dụng sai mục đích tuồn ra thị trường để làm chất tạo nạc trong chăn nuôi. Chúng ta theo dõi Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công an đều chưa có câu trả lời là bao nhiêu tấn tuồn ra thị trường làm chất tạo nạc” - ĐB Nga đặt câu hỏi.

ĐB Nga cũng cho rằng việc thực thi chế tài xử phạt đối với thực phẩm bẩn chưa nghiêm, nhiều vụ chỉ phạt cho tồn tại, hiếm có trường hợp xử lý hình sự. Bên cạnh đó, kỷ luật công vụ lỏng lẻo, nhiều vụ ngộ độc, buôn bán chất cấm, sản xuất chế biến thực phẩm bẩn diễn ra nhưng không xử lý được trách nhiệm cán bộ, công chức liên quan.

Từ đó, ĐB Nga đề nghị Chính phủ cần tổ chức ngay một phiên họp chuyên đề trong tháng tới để đánh giá chính xác thực trạng mức độ mất an toàn hiện nay. Trên cơ sở đó phải có giải pháp chặn đứng tình hình, đồng thời áp dụng chế tài mạnh, xử lý nghiêm minh các vi phạm về mất an toàn thực phẩm.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa:  

Phải giữ được “nỏ thần” của dân tộc

Phân tích bối cảnh hiện nay của đất nước với nguy cơ “ngoại xâm” và “nội xâm”, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng cần phải có giải pháp để quy tụ lòng dân, đưa đất nước vượt qua các khó khăn trước mắt, phát triển đi lên. Ông nhấn mạnh: “Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước và dân tộc này đã tồn tại hơn 4.000 năm qua. Cũng nhờ nó mà dân tộc Việt Nam giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đất nước ta sẽ gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển trong nửa đầu thế kỷ này, người dân Việt Nam sẽ tự hào không chỉ vì là một dân tộc anh hùng mà còn là một dân tộc biết cách trở thành văn minh và thịnh vượng”.

Phân tích tinh thần đó trong tình hình hiện nay, ĐB Nghĩa đặt ra câu hỏi: “Tại sao trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi? Tại sao cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho mình hay con cháu mình ra định cư ở nước ngoài?”. Và ông trả lời: “Không phải vì đất nước nghèo mà vì họ cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không được đầy đủ và lo sợ đất nước bị lệ thuộc. Điều này ai cũng thấy, cũng biết”.

Ông đề nghị “phải làm cho đất nước là nơi đáng sống, người dân và người nước ngoài muốn đến, muốn ở lại chứ không phải muốn ra đi”. Phải bảo đảm cho người dân nếu chưa giàu thì cũng phải có tự do dân chủ, an toàn, an ninh, công bằng, công lý, duy trì được truyền thống tốt đẹp trong văn hóa dân tộc. Đồng thời phải động viên được sức mạnh toàn dân, chấm dứt hủy hoại môi trường, tuyên chiến với tham nhũng lãng phí, tăng cường thực chất khối đại đoàn kết dân tộc, đặt lợi ích dân tộc và nhân dân lên trên hết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm