Quốc hội ủng hộ làm cao tốc Lạng Sơn - Cà Mau

Chủ đề về cao tốc ở Việt Nam và sự chênh lệch số lượng đường cao tốc giữa các vùng kinh tế lại trở thành một điểm nhấn tại phiên chất vấn vừa qua tại Quốc hội (QH). Trả lời của các bộ trưởng GTVT, KH&ĐT cùng khẳng định của Thủ tướng cho thấy tuyến cao tốc Lạng Sơn - Cà Mau sắp thành hiện thực.

Cao tốc là động lực cho phát triển

Hai đại biểu (ĐB) của Cà Mau là Trương Thị Yến Linh và Nguyễn Quốc Hận đều chất vấn về cao tốc ở ĐBSCL.

ĐB Linh hỏi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: “Vùng ĐBSCL, cơ sở hạ tầng đứt gãy yếu kém, do đó các tuyến cao tốc cho vùng là rất cần thiết, tạo động lực cho sự phát triển. Bộ trưởng có nói dự kiến đến năm 2025 ưu tiên đầu tư nâng cấp thêm trên 200 km đường cao tốc, đặc biệt tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Xin hỏi bộ trưởng có giải pháp căn cơ gì để cải thiện đột phá hạ tầng cho giao thông ĐBSCL?”.

Bộ trưởng GTVT trả lời về việc đầu tư cao tốc khu vực ĐBSCL và cao tốc Lạng Sơn - Cà Mau. Ảnh: ĐT

ĐB Nguyễn Quốc Hận sau khi cám ơn Chính phủ, Bộ GTVT đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cho ĐBSCL thì nhắc bộ trưởng GTVT: “Mong bộ trưởng và các bộ có liên quan tiếp tục quan tâm và tổ chức thực hiện đúng tiến độ các hạng mục công trình như đã hứa”.

ĐB A Long (Kon Tum) thì đặt vấn đề về cao tốc lên vùng Tây Nguyên. Theo đó, năm 2019, lãnh đạo ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Bình Định đã có kiến nghị Bộ GTVT và Chính phủ đầu tư tuyến đường cao tốc Kon Tum - Gia Lai - Bình Định.

“Xin hỏi bộ trưởng đã tham mưu cho Chính phủ kiến nghị đó như thế nào. Bộ trưởng có thể cho biết khi nào thì tuyến đường này được thực hiện” - ĐB A Long hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời hiện đã có 40 km cao tốc TP.HCM - Trung Lương. “Cuối năm sẽ thông xe từ Trung Lương đến Mỹ Thuận dài 54 km và theo kế hoạch của nhà đầu tư, năm 2021 chúng ta đưa 54 km này vào sử dụng và có 7 km kết nối vào cầu Mỹ Thuận 2” - ông Thể nói.

Ông Thể thông tin là hiện bộ đang triển khai cả bốn gói thầu và theo kế hoạch, đến năm 2023 sẽ xong cầu Mỹ Thuận 2 và đường kết nối vào cầu, tất cả là 7 km.

Ông Thể cũng cho hay 23 km từ cầu Mỹ Thuận đến Cần Thơ trong tháng 12 này Thủ tướng Chính phủ sẽ phát lệnh khởi công cả ba gói thầu và đã bố trí đủ vốn.

“Kết hợp với đoạn từ Cái Gòn qua cầu Cần Thơ, dự kiến đến năm 2023 từ TP.HCM đến Cần Thơ dài khoảng 130 km... các đoạn cao tốc khác sắp khánh thành hoặc khởi công như Vàm Cống - Rạch Sỏi, Cao Lãnh - cầu Vàm Cống. Cộng tất cả lại sẽ có 210 km đường cao tốc ở vùng ĐBSCL... Chúng tôi tin chắc rằng trong giai đoạn nhiệm kỳ tới sẽ xong” - Bộ trưởng Thể nói.

2025 sẽ thông cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau

Bộ trưởng GTVT cũng cho hay phần cao tốc cần thiết còn lại Chính phủ đã đặt ra mục tiêu và QH cũng đã thảo luận.

“Chúng ta sẽ thông tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào năm 2025 và như thế đoạn từ TP Cần Thơ đến TP Cà Mau, chúng tôi đã nghiên cứu dài khoảng 170 km và toàn bộ dự án này sẽ được ưu tiên cho nhiệm kỳ 2021-2025” - ông Thể nói.

 

5.000

km đường cao tốc ở Việt Nam là mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ đạt được, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường cao tốc Bắc - Nam phía đông và đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Chính phủ đang tập trung vào hạ tầng trọng yếu của quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành, các cao tốc liên kết vùng, các tuyến đường sắt đô thị...

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Theo ông Thể, còn một đoạn từ cầu Cao Lãnh ra An Hữu 30 km, khi làm xong thì từ TP.HCM về Kiên Giang cũng sẽ có nhánh thứ hai về đường cao tốc. “Nếu hoàn thành đúng kế hoạch thì đến năm 2025 có thể chúng ta có tới khoảng 400 km. Tuy nhiên, chúng tôi cũng dự phòng nhiều rủi ro, do đó chúng ta cố gắng đến năm 2025 ít nhất có 300 km ở vùng ĐBSCL là đường cao tốc” - ông Thể nói.

Sau khi đề cập các công trình giao thông khác sẽ được triển khai ở ĐBSCL, Bộ trưởng Thể tin rằng sắp tới cơ sở hạ tầng ở vùng này sẽ được cải thiện.

Về kiến nghị xây dựng cao tốc kết nối Tây Nguyên với vùng ven biển, Bộ trưởng Thể cho hay là đã nhận được văn bản của ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Bình Định. “Chúng tôi thấy văn bản đề nghị này rất hợp lý. Tuy nhiên, ngân sách khó khăn nên hiện nay cần phải nâng cấp các quốc lộ kết nối Tây Nguyên với vùng ven biển để có thể phục vụ cho bà con đi lại tốt hơn. Bởi vì khi đi đường cao tốc thì phải thu phí, còn nâng cấp các quốc lộ thì không thu phí. Do đó, Bộ GTVT đang triển khai ba dự án kết nối Tây Nguyên với vùng ven biển” - Bộ trưởng Thể nói.

“Hiện nay đang trình tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau, rất mong QH ủng hộ để chúng ta có được tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau” - ông Thể nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời ngay: “QH luôn luôn ủng hộ, chỉ có vấn đề tổ chức thực hiện như thế nào, tiền bạc như thế nào”.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm