Quốc hội thông qua Nghị quyết gia nhập Công ước số 105

Sáng 8-6, Quốc hội với 460 đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức, với tỉ lệ tán thành 94,82%.

Chỉ có một đại biểu không tán thành và một đại biểu không biểu quyết.

Kết quả biểu quyết sáng ngày 8-6. Ảnh: CHÂN LUẬN

Trước giờ Quốc hội thông qua nghị quyết, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo nghị quyết.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết các đại biểu Quốc hội đều khẳng định việc gia nhập Công ước số 105 vào thời điểm này là thận trọng, phù hợp với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Việc gia nhập này cũng vì lợi ích quốc gia, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không chấp nhận cưỡng bức bóc lột lao động.

Việc hướng dẫn chi tiết về hành vi lao động cưỡng bức, ông Nguyễn Văn Giàu, cho biết hiện Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ 1-1-2020) đã quy định các hành vi cưỡng bức.

Cụ thể, Luật nghiêm cấm người sử dụng lao động giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động. Tại Luật này cũng yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động; Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động…

Cạnh đó, luật cũng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động bao gồm: Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động; Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

Hay như việc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động, không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định… cũng được quy định rõ trong Luật.

“Ngoài ra, Bộ luật Lao động cũng quy định về các hình thức xử lý kỷ luật lao động chỉ bao gồm: Khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng, cách chức và sa thải. Người sử dụng lao động không được tự đặt ra những hình thức xử lý kỷ luật khác ngoài bốn hình thức trên như hình thức cưỡng bức lao động…” - ông Nguyễn Văn Giàu thông tin.

            Điều luật quan trọng của Công ước số 105

Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức có 10 điều, đáng chú ý là Điều 1.

Cụ thể, Điều 1 quy định, mọi Thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế phê chuẩn Công ước này cam kết cấm lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc và không sử dụng bất kỳ hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc nào:

a) Như là một biện pháp cưỡng chế hay giáo dục chính trị hoặc như một sự trừng phạt đối với những ai đang có hoặc đang phát biểu chính kiến, hay ý kiến chống đối về tư tưởng đối với trật tự chính trị, xã hội, hoặc kinh tế đã được thiết lập;

b) Như là một biện pháp huy động và sử dụng nhân công vào mục đích phát triển kinh tế;

c) Như là một biện pháp kỷ luật lao động;

d) Như một sự trừng phạt đối với việc đã tham gia đình công;

e) Như một biện pháp phân biệt đối xử về chủng tộc, xã hội, dân tộc hoặc tôn giáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm