Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước ngay từ đầu kỳ họp thứ 6

Chiều 16-10, tiếp tục phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc vào 22-10 tới.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị bổ sung nội dung bầu Chủ tịch nước vào chương trình kỳ họp. Theo đó, ngay trong ngày khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Sáng ngày làm việc thứ hai, sau khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn ĐBQH và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước, Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử.
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn. Các ĐB thảo luận ở Đoàn về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn.
Chiều 23-10, Trưởng Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước. Sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ. Nội dung này được truyền hình, phát thanh trực tiếp. Cũng trong chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn bằng bỏ phiếu kín.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Ông Phúc sau đó cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo liên quan đến việc Chính phủ đề nghị bổ sung các báo cáo về tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi) giai đoạn 1; đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông; đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh, tuyến số 1 (Bến Thành-Suối Tiên).

Tổng thư ký Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu có cách thức tiến hành cho phù hợp, đạt hiệu quả cao, đồng thời tạo điều kiện để nhiều đại biểu tham gia thảo luận và chất vấn. Ông Phúc đề xuất mỗi đại biểu Quốc hội chỉ nên thảo luận và nêu chất vấn trong thời gian không quá 5 phút; người trả lời chất vấn không quá 3 phút đối với chất vấn của mỗi đại biểu, việc giải trình ý kiến đại biểu nêu cần ngắn gọn, súc tích, bao quát các vấn đề…

Cũng theo đề xuất, phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); phiên thảo luận ở hội trường các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo sẽ không được truyền hình, phát thanh trực tiếp như đề nghị của đại biểu.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, đối với các phiên không thường thuật trực tiếp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động cung cấp thông tin cho báo chí nhiều hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

“Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng, các cơ quan của Quốc hội tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ và chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Bên lề Quốc hội có rất ít ĐBQH chịu tiếp xúc với báo chí, nếu chúng ta là PV đi phỏng vấn mà cứ bị lấy tay gạt gạt thì khó chịu lắm. Ta phải tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp theo đúng quy chế của Quốc hội, tạo điều kiện cho các đại biểu được gặp gỡ báo chí và chủ động cung cấp thông tin cho báo chí” - bà Ngân nói.

Bà Ngân cũng cho rằng Quốc hội cần “nêu gương”: Quốc hội tập trung họp, không tập trung để giao lưu, tiệc tùng, một buổi chiều phải đi hai, ba nơi.

 “Đề nghị QH gương mẫu, người ta mời không đi, chỗ nào làm không đúng quy định thì phải chịu trách nhiệm. Đề nghị UBTVQH nêu gương, trừ khi tiếp khách, còn không tổ chức họp mặt gì hết” - bà Ngân nói.

Tuy nhiên, có một ngoại lệ, theo Chủ tịch Quốc hội, ngày 20-10 là ngày Phụ nữ Việt Nam, năm nào Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng chuẩn bị chương trình gặp mặt các chị em. Đây không phải là tụ họp để chọn phiếu bầu, vì Chủ tịch Hội phụ nữ không phải nhân vật phải lấy phiếu tín nhiệm nên có thể chấp nhận được.

“Bộ trưởng Bộ TT&TT mới được bầu nên nếu có ai chất vấn thì Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ trả lời thay” - bà Ngân cho biết thêm.

Theo dự kiến, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 24 ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 21-11-2018.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm