'Quốc hội mà nhầm lẫn thì dân đánh giá tai hại lắm'

“Nếu chúng ta làm tốt, làm hết trách nhiệm thì đời sống dân cư sẽ rất yên lành, đầu gấu sẽ không có đất nếu không có bảo kê; không có sự dung túng thì cờ bạc, trộm cắp, ma tuý sẽ dần bị thu hẹp lại dư địa hoành hành” - Đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng phát biểu sáng 17-11 khi thảo luận tại Quốc hội về Dự thảo luật Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng như nhiều ĐB đặt ra vấn đề cần thiết của Dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: QH

“Việc cơ cấu 1,5 triệu người tham gia lực lượng này có vẻ như đang áp dụng trong tình trạng khẩn cấp thời chiến, gấp nhiều lần quân thường trực, có cần thiết hay không?” - ĐB Nhưỡng đặt câu hỏi.

Ông nói rằng: Trước đây có lực lượng công an xã, mọi việc đều rất tốt. Câu chuyện hiện nay là tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy của lực lượng Công an chuyển 25.000 quân chính quy về xã.

“Đọc dự thảo thì thấy giờ lực lượng này là phối hợp nhưng hầu hết thực hiện nhiệm cụ của công an xã. Nếu ra đời thì mọi công việc dồn hết cho lực lượng này. Bây giờ các anh em ở dưới cơ sở phản ánh nhiều việc công an cứ “thôi các anh cứ làm việc này, việc khác”. Chỗ này các đồng chí ở trên không kiểm tra được đâu” - ĐB Nhưỡng nêu và nói việc phình ra lực lượng như thế này là rất khó thuyết phục.

Đồng thời, tuy nói lực lượng này là “quần chúng tự nguyện” nhưng các quy định lại toát lên tính chính quy về tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách… Sau khi phân tích các hệ lụy phát sinh từ kinh tế đến chính trị và xã hội, ĐB Nhưỡng đặt vấn đề về chế độ cho lực lượng này: “Bây giờ 50 tỉnh không thể giải quyết vấn đề này. Giàu như TP.HCM thì may ra, chứ tỉnh khác khó khăn”. ĐB Nhưỡng cũng đặt câu hỏi với các lãnh đạo tỉnh ngồi ở Quốc hội là nghĩ như thế nào về vấn đề này. 

ĐB Nhưỡng đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lại các vấn đề và Quốc hội cũng cần xem xét kĩ.

ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) sau đó nêu ý kiến gần như nói lại các ý kiến của ĐB Nhưỡng và nhiều ĐB khác không đồng tình với việc ban hành luật này.

ĐB Nhưỡng tiếp tục tranh luận lại. Ông nói rằng Dự thảo luật quy định đây là lực lượng quần chúng tự nguyện, khác với khái niệm không chuyên trách và cũng không phải là “chính danh” như ĐB Xuân nói. Vì nếu là “chính danh” cũng đồng nghĩa là chính quy.

ĐB Nhưỡng nói có lẽ cũng phải xin ý kiến của ĐBQH về việc có hay không ban hành luật này. “Chúng ta không được phép nhầm lẫn. Quốc hội mà nhầm lẫn thì dân đánh giá tai hại lắm” - ĐB Nhưỡng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm