Quốc hội chốt gói 350.000 tỉ phát triển kinh tế

Chiều 11-1, sau 4,5 ngày làm việc, Quốc hội (QH) khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu bế mạc kỳ họp.

Quyết định nhiều vấn đề lớn

Trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhận định là kỳ họp có nội dung hết sức quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Tác động của đại dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: TTXVN

“Trước tình hình đó, QH cần phải có các quyết sách kịp thời nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, nghị quyết của QH về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho chương trình phòng chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của nhân dân” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.

“Chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của QH nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn” - Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nói.

Kỳ họp đã nhất trí ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỉ đồng để chủ động trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Các chính sách này được triển khai trong hai năm 2022-2023, tập trung cho các lĩnh vực: Y tế, phòng chống dịch COVID-19; an sinh xã hội, lao động và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiên tai.

Kỳ họp đã thông qua việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông; dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Nhà ở... (một luật sửa chín luật); thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ...

Giảm thuế, tăng hỗ trợ cho người lao động

Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch thường trực QH Trần Thanh Mẫn, với tổng số 424/426 số phiếu tán thành, đạt tỉ lệ 84,97% (tính trên tổng số đại biểu), QH đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô khoảng 350.000 tỉ đồng.

Về chính sách tài khóa, nghị quyết quy định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%; cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

Nghị quyết cũng quy định tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỉ đồng, tập trung trong hai năm 2022 và 2023 cho các lĩnh vực y tế; an sinh xã hội, lao động, việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Đồng thời thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm; tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 38.400 tỉ đồng để cho vay…

Nghị quyết cũng quy định chính sách tiền tệ hỗ trợ chương trình, trong đó điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Để có nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ chương trình, nghị quyết cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong hai năm 2022 và 2023 bình quân 1%-1,2% GDP/năm (tối đa 240.000 tỉ đồng)...

Trên cơ sở các chính sách, nghị quyết đặt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025: Tăng trưởng bình quân 6,5%-7%/năm, các chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo QH cho phép, tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2022 đến 31-12-2023; riêng đối với chính sách tài khóa của nghị quyết được áp dụng cho năm ngân sách 2022 và 2023.

Vụ Việt Á: Làm rõ vi phạm ở từng khâu, từng việc

Trong nghị quyết, QH đánh giá cao kết quả phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định, đã xảy ra một số sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt là trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, gây bức xúc trong dư luận, tác động tiêu cực nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng chống dịch và phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

QH yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương nâng cao năng lực quản lý; tăng cường kiểm soát mua sắm công... tập trung khẩn trương, quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán kit xét nghiệm COVID-19 và các vi phạm pháp luật khác (nếu có) liên quan đến Công ty Việt Á; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp trái pháp luật nào. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm