Quảng Nam: Sẽ cõng 50 tấn hàng đến 2.800 nguời đang bị cô lập

Sáng 31-10, Thượng tá Lê Trung Thành, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam chủ trì buổi họp bàn giải pháp tiếp tế lương thực, thực phẩm cho khoảng 2.800 người bị cô lập tại hai xã Phước Thành và Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) và tìm kiếm tám nạn nhân còn mất tích trong vụ sạt lở ở xã Phước Lộc.

Đại tá Trương Quang Nhạn, Phó Tham mưu trưởng Quân khu V phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TN

Ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, hiện nay người dân hai xã trên đang bị cô lập hoàn toàn. Bên cạnh đó, nguồn lương thực, thực phẩm đang dần cạn, nhiều nhà dân bị sạt lở, cuốn trôi phải sơ tán xen ghép tại nhà khác.

Theo ông Quảng, phương án khả thi nhất lúc này là di chuyển bằng đường bộ, huyện đã bàn với các xã bố trí người để trung chuyển lương thực, thực phẩm.

“Huyện bàn với các xã chia sẻ khó khăn, giúp nhau cõng lương thực từng đoạn. Cùng với đó, chăn mền cũng đã chuẩn bị sẳn hỗ trợ cho người dân bị sạt lở, cuốn trôi tại hai xã” - ông Hà nói.

Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó Trưởng phòng Quân huấn, Sư đoàn Không quân 372 cho biết, đơn vị sẽ cho máy bay cất cánh nếu điều kiện thời tiết cho phép. Hàng hoá đã tập trung tại Sân bay Đà Nẵng, sẵn sàng bay.

“Thời gian bay từ Sân bay Đà Nẵng đến Sân bay Khâm Đức khoảng 30 phút, vào hai xã thêm bảy phút nên sẽ không lo nhiên liệu. Khoảng thời gian bay của Không quân từ 7 đến 17 giờ, thời tiết tốt lúc nào, không quân sẽ cất cánh lúc nấy. Mỗi chuyến bay chở khoảng 1 đến 1,2 tấn hàng”, đại tá Hùng nói.

Đường vào hai xã Phước Thành và Phước Lộc đang sạt lở nghiêm trong, khoảng 2.800 người bị cô lập. Ảnh: AK

Đại diện lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Quảng Nam thống nhất tổ chức lực lượng đi bộ, cõng đưa lương thực, thực phẩm đến hai xã đang cô lập.

Theo ông Hà, tuyến đường đến hai xã Phước Thành và Phước Lộc đang sạt lở nghiêm trọng, cần thời gian từ 2-3 tháng mới có thể thông. Việc tổ chức lực lượng đưa lương thực thực phẩm lên hai xã cô lập cần gấp rút nên phải tính toán kỹ.

“Tại Phước Thành, chúng ta sẽ thành lập các trạm tiếp nhận trung chuyển trên tuyến đường mòn của nhân dân. Tuy nhiên, một số điểm độ dốc cao. Xã Phước Thành sẽ tổ chức lực lượng đưa cáp treo tời hàng hoá lên, tiếp tục vận chuyển về xã. Nhất định không tổ chức lực lượng vượt qua đồi dốc trong lúc này” - ông Hà nói.

Tương tự, xã Phước Lộc huy động lực lượng nối dây cáp giữa hai bờ suối nước chảy xiết, hàng hoá tập kết bên đây bờ tời sang. Sau đó, nhân lực tại chỗ tiếp tục trung chuyển về xã, tiếp tế cho người dân.

Dự kiến, trong ngày hôm nay, tất cả lương thực, thực phẩm sẽ tập kết ở hai xã Phước Công (gần Phước Lộc) và Phước Kim (gần Phước Thành), sáng mai sẽ chuyển lên các xã hỗ trợ người dân. Việc trung chuyển hàng hoá sẽ do lực lượng địa phương thực hiện.

Thượng tá Lê Trung Thành, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam thống nhất phương án cõng lương thực vào hai xã bị cô lập. Ảnh: TN

“Về lực lượng quân đội hiện nay, việc tổ chức vận chuyển sẽ rất nguy hiểm, nếu không xác định được vị trí vượt qua các điểm sạt lỡ, tự cắt đường qua đó sẽ mất an toàn. Cho nên, phương án tổ chức cho bộ đội tạm dừng, để lực lượng địa phương am hiểu địa hình, am hiểu các điểm sạt lở sẽ đi. Khi nào an toàn, lực lượng bộ đội có thể tham gia” - ông Hà đưa ra giải pháp.

Đại tá Trương Quang Nhạn, Phó Tham mưu trưởng Quân khu V đề nghị các đơn vị chuẩn bị song song hai phương án, sẳn sàng bay nếu thời tiết thuận lợi. Người dân đang cần lương thực, thực phẩm. Thời tiết không thuận lợi thì cõng hàng vào, còn thời tiết thuận lợi thị sẳn sàng, bay từ Đà Nẵng lên cho bà con hai xã cô lập.

Kết luận tại cuộc họp, Thượng tá Lê Trung Thành, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam thống nhất với giải pháp ông Nguyễn Mạnh Hà đề xuất và đề nghị Biên phòng tỉnh liên hệ các đơn vị chuẩn bị đàm liên lạc giữa từng chặn trung chuyển (vì đường đến hai xã không có sóng điện thoại – PV).

Đồng thời, địa phương chuẩn bị dây cáp, ròng rọc tại các điểm không thể đi bộ để tời hàng hoá. Mỗi người tại các điểm trung chuyển sẽ cỏng 25 kg, di chuyển 1 đến 1,5 giờ trung chuyển cho trạm tiếp theo.

Bên cạnh đó, các lượng cũng cần sớm tổ chức tìm kiếm tám nạn nhân đang mất tích do sạt lở tại xã Phước Lộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm