Quảng Nam: Nhiều vùng ngập sâu, sơ tán dân trước 17 giờ

Ngày 10-10, mưa lớn tiếp tục kéo dài cùng với các thuỷ điện bắt đầu xả nước điều tiết, nhiều khu vực của tỉnh Quảng Nam đã bị ngập sâu.

Ghi nhận tại xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), nước bắt đầu dâng từ sáng nay.

Người dân đã chủ động đưa phương tiện, vật dụng ra khỏi khu vực ngập lụt, giao thông bị chia cắt, nhiều xe cộ chết máy khi băng qua đoạn đường ngập nước.

Khu vực đường qua xã Duy Trung nhiều đoạn ngập sâu, giao thông chia cắt.

Trưa nay, giao thông trên tuyến quốc lộ 1A qua địa phận tỉnh Quảng Nam vẫn thông suốt. Tuy nhiên, nhiều đoạn trũng thấp nước mấp mé hai bên taluy đường, có nguy cơ ngập nếu tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp.

Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, trong 24 giờ qua, các địa phương trong tỉnh đã có mưa to đến mưa rất to.

Tổng lượng mưa trong 24 giờ qua (từ 7 giờ 9-10 đến 7 giờ 10-10) tại các địa phương vùng núi phía Nam phổ biến từ 90 - 180 mm, vùng núi phía Bắc và vùng đồng bằng ven biển phổ biến từ 200 - 300 mm; có nơi trên 300 mm.

Mưa lớn kéo dài liên tục, người dân chuẩn bị ghe thuyền sẵn sàng đón lũ.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, đến mưa rất to. Lượng mưa từ 7 giờ 10-10 đến 7 giờ 11-10 tại các địa phương trong tỉnh Quảng Nam phổ biến từ 150 - 250 mm, có nơi trên 300 mm.

Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam cảnh báo sạt lở đất, lũ quét tại các sông, suối và sạt lở ở các huyện miền núi, nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng thấp.

Trong sáng 10-10, mực nước các sông tại Quảng Nam đang lên lại. Tại trạm thuỷ văn Ái Nghĩa, nước đã dâng vượt mức báo động 3.

Người dân vượt qua đoạn đường ngập bằng xe tải.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi công văn khẩn yêu cầu các ban ngành, địa phương tập trung ứng phó mưa lũ và tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống xấu.

Chủ tịch UBND Quảng Nam yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương tập trung tổ chức kiểm tra, rà soát và thực hiện sơ tán người dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Đoạn đường ngập kéo dài hơn 200 m, có đoạn sâu đến gần 1 m.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị nhanh chóng rà soát, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng trũng thấp, ven sông, ven suối, những hộ không đảm bảo an toàn phải kiên quyết vận động di dời.

Trong trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời để đảm an toàn tính mạng cho người dân; có phương án đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết.

“Khẩn trương tổ chức thực hiện di dời, sơ tán dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất triệt để đến nơi an toàn trước 17 giờ ngày 10-10” - ông Thanh yêu cầu.

Một số hình ảnh nước dâng cao gây ngập nhiều tuyến đường qua huyện Đại Lộc:

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm