Quảng Nam - Đà Nẵng: Thủy điện tích nước, hạ nguồn cạn kiệt

Sáng 14-5, tại buổi làm việc với đại diện ban quản lý bốn nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, A Vương, Đak Mi 4 và Sông Côn 2, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết hơn một tháng qua các nhà máy thủy điện xả nước nhỏ giọt khiến mực nước các con sông vùng hạ nguồn luôn ở mức thấp. Xâm nhập mặn đã tiến sâu vào cửa sông Vĩnh Điện, Thu Bồn.... Tại trạm bơm Tứ Câu (trên sông Thu Bồn), nồng độ mặn lên đến 10,5%, trạm bơm Cẩm Sa xấp xỉ 6%, vượt quá mức cho phép nhiều lần nên không thể bơm tưới cho sản xuất trong khi chỉ vài ngày nữa là đến vụ gieo, sạ lúa hè thu.

Tại Đà Nẵng, mực nước từ thượng nguồn về “nhỏ giọt” cũng khiến tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán diễn ra nghiêm trọng. Theo xí nghiệp sản xuất nước Cầu Đỏ (Công ty Cấp nước Đà Nẵng), hiện nguồn nước đầu nguồn đang bị hạ thấp nên lượng nước trong hồ chứa giảm, phải bơm bổ sung từ các nguồn khác để điều tiết. Theo kế hoạch, vụ hè thu năm nay Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ gieo, sạ khoảng 40.000 ha.

Đại diện ban quản lý bốn nhà máy thủy điện trên cho biết hiện mực nước các hồ chứa thủy điện cũng đang xấp xỉ mực nước chết nên không thể vận hành, xả nước liên tục. Nguyên do nguồn nước đầu nguồn chảy qua các hồ chứa quá nhỏ. “Lượng nước trong hồ chứa chỉ còn 117 triệu m3 nước (dung tích hữu ích là 266 triệu m3) và đang giảm. Mực nước đo ngày 11-5 là 361 m/mực nước chết 340 m. Nếu vận hành 24/24 giờ thì chỉ được 4-5 ngày là hồ cạn đáy” - đại diện Ban Quản lý thủy điện A Vương cho biết. Các nhà máy thủy điện khác cũng lâm vào tình trạng tương tự. Để giải quyết tình trạng thiếu nước, các nhà máy thủy điện đã đồng ý xả nước trong thời gian đổ ải, gieo, sạ từ ngày 20-5 đến ngày 15-6, tùy theo lượng nước tích trữ trong các hồ chứa. “Chúng tôi sẽ giám sát và thông báo cho người dân biết để chủ động bơm nước vào đồng khi các thủy điện này xả nước về hạ nguồn” - ông Quang nói.

Chiều 14-5, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức họp bàn về việc khắc phục tình trạng nước lòng hồ thủy điện Bản Vẽ và dòng Nậm Nơn xuống cạn khiến ít nhất bốn xã Mai Sơn, Nhôn Mai (huyện Tương Dương) và Mỹ Lý, Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn) bị cô lập hoàn toàn bởi vào các xã trên chỉ đi lại bằng thuyền. Tại cuộc họp, cơ quan chức năng đã thống nhất, trước mắt phải nạo vét lòng hồ và dòng Nậm Nơn, khơi thông tạo dòng chảy để thuyền bè đi lại dễ dàng; về lâu dài, sẽ mở đường bộ thay thế đường thủy cho dân.

Như đã đưa tin, từ đầu năm đến nay, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ liên tục phát hai tổ máy, cùng với đại hạn, mực nước trên lòng hồ đã rút xuống hơn 30 m, dòng Nậm Nơn xuống cạn khiến giao thông đường thủy ách tắc, không thể vận chuyển gạo cứu đói giáp hạt cho dân. Đến chiều 14-5, đã có 250 hộ dân rời khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ (huyện Thanh Chương) quay về phát nương làm rẫy trong vùng lòng hồ nhà máy khiến tình hình thêm căng thẳng, khó khăn.

TẤN TÀI - ĐẮC LAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm