Quảng Nam: Còng lưng trả nợ nông thôn mới

Kết thúc giai đoạn 1 (2011-2015) của chương trình nông thôn mới (NTM), tỉnh Quảng Nam có 53/204 xã và hai huyện đạt chuẩn NTM. Nhưng nợ đọng xây dựng cơ bản vì NTM đang làm lãnh đạo tỉnh này đau đầu với con số lên tới 157 tỉ đồng vào cuối năm 2016. Sau nhiều nỗ lực, tính đến đầu tháng 4-2017, toàn tỉnh còn nợ xây dựng cơ bản NTM khoảng 124,5 tỉ đồng. Trong đó, Phú Ninh nợ hơn 30 tỉ đồng, Đại Lộc gần 25 tỉ đồng, Tây Giang hơn 19 tỉ đồng...

Nợ không nhiều nhưng cũng là gánh nặng

Theo ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, số nợ nêu trên dù không phải là con số quá cao nhưng nó là một trong những gánh nặng của tỉnh.

Ví dụ như huyện Phú Ninh - địa phương được chọn làm thí điểm xây dựng huyện NTM trong giai đoạn 2011-2015. Cuối năm 2015, huyện này có 8/10 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, đến năm 2016 tổng số nợ đọng của Phú Ninh là khoảng 32 tỉ đồng. Chưa kịp ăn mừng vì được công nhận là huyện NTM, huyện Phú Ninh đã phải rốt ráo tính kế trả nợ.

“Hiện một số xã cơ bản có nguồn vốn và đang lập phương án thanh toán nợ. Các địa phương khác cũng chủ động khai thác quỹ đất để có nguồn thu, sớm trả nợ. Dự kiến trong năm 2017 các xã sẽ thanh toán được khoảng 12 tỉ đồng” - ông Trần Công Lăng (Văn phòng Điều phối NTM huyện Phú Ninh) cho biết.

Huyện Hiệp Đức cũng chung cảnh ngộ. Tổng số nợ đọng là hơn 10 tỉ đồng, hiện nay huyện đã trả được hơn 7 tỉ đồng, còn 3 tỉ đồng thì chưa thể giải quyết. Bên cạnh đó, các huyện Tây Giang, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình… cũng đang phải gánh nợ vì NTM.

Xã Tam Phước là một trong những xã cán đích nông thôn mới sớm nhất huyện Phú Ninh. Trong ảnh: Trạm Y tế xã Tam Phước. Ảnh: TÂM AN

Tâm lý ưng làm lớn, cán đích sớm

Nói về nguyên nhân dẫn tới tình trạng nợ vì xây dựng NTM, ông Muộn cho biết: “Do xuất phát điểm thấp, nguồn thu hạn hẹp cộng với việc không kiểm soát tốt nguồn vốn xây dựng cơ bản đã đẩy các địa phương rơi vào tình cảnh nợ đọng kéo dài. Đặc biệt, một số nơi còn có tâm lý ưng làm lớn, xây dựng cơ sở hạ tầng quá mức cần thiết trong khi chưa xác định được nguồn vốn chi trả”.

PV đặt ra câu hỏi: Tâm lý muốn về đích sớm có phải là nguyên nhân khiến các địa phương lâm vào tình cảnh nợ nần? Trả lời, ông Muộn cho biết khi triển khai NTM thì đúng là có chuyện đặt ra mục tiêu cho các huyện, các cấp trên cơ sở đã khảo sát tình hình thực tế tại các địa phương.

“Chẳng hạn, khi đặt ra mục tiêu là đến năm 2015 Quảng Nam có trên 20% các xã đạt chuẩn NTM, chúng tôi phải cụ thể hóa là có 53 xã, phân bổ ra các huyện sẽ phấn đấu cán đích. Trên cơ sở đó các huyện cũng phải đặt ra mục tiêu cho các xã. Nhìn chung sức ép về thời gian là có. Tỉnh không tạo sức ép cho bất cứ địa phương nào. Có chăng sức ép từ chính các địa phương tự tạo ra do tâm lý thi đua, phấn đấu” - ông Muộn nói.

Trong khi đó, một lãnh đạo Quảng Nam cũng cho hay nguyên nhân khách quan dẫn tới nợ đọng là do một số tiêu chí NTM chưa phù hợp với thực tế địa phương. Ví dụ như trong tiêu chí số 6 quy định mỗi thôn phải có một nhà văn hóa. Điều này là không thực sự cần thiết, nhất là với các tỉnh miền núi.

Chủ yếu trông chờ quỹ đất

Được biết phương án trả nợ xây dựng NTM mà các địa phương tính đến chủ yếu là dựa vào việc khai thác quỹ đất tại địa phương. Điều này có thể khả thi với các huyện nằm ở vị trí trung tâm, vùng đồng bằng. Nhưng với các huyện miền núi thì phương án này không khả thi.

“Bài toán Tây Giang đang khiến chúng tôi phải đau đầu. Đây là một huyện miền núi nghèo, chỉ duy nhất có mấy khu trung tâm là có thể khai thác được quỹ đất nhưng diện tích lại không nhiều. Với tình trạng này, sắp tới tỉnh chắc chắn sẽ phải vào cuộc xử lý chứ huyện không thể tự giải quyết được” - ông Muộn nói.

Ông Muộn cho hay thời gian tới tỉnh sẽ cùng với các địa phương vào cuộc quyết liệt để xử lý dứt điểm nợ nần vì NTM. Những địa phương để nợ quá nhiều, khi tỉnh bố trí ngân sách sẽ buộc phải để dành để trả nợ, quyết toán công trình. Đồng thời, tỉnh cũng kiên quyết không cho xây dựng công trình mới khi chưa quyết toán xong số lượng công trình cũ.

“Chúng tôi cũng sẽ quy trách nhiệm cho chủ phê duyệt dự án. Ví dụ, giao cho chủ tịch huyện phê duyệt thì ông phải kiểm soát tốt nguồn vốn. Nếu để xảy ra sai sót thì ông phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Riêng địa phương nào ưng làm to thì phải chứng minh được nguồn vốn mới được làm, không thì thôi. Không có chuyện cứ làm bừa bãi rồi đẻ ra nợ nần như thời gian qua” - ông Muộn nhấn mạnh.

Năm 2011, khi bắt tay triển khai xây dựng NTM, huyện Phú Ninh có thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 3,2 triệu đồng/người, thấp hơn hai lần so với bình quân chung của tỉnh. Tỉ lệ hộ nghèo chiếm hơn 23%.

Kết thúc giai đoạn 2011-2015, huyện đã có tới 8/10 xã cán đích NTM. Đến năm 2016, hai xã còn lại là Tam Lãnh và Tam Lộc cũng hoàn thành 19/19 tiêu chí, đưa Phú Ninh trở thành một trong hai huyện NTM của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, do số lượng công trình lớn trong khi địa phương chưa huy động đủ nguồn vốn khiến tình trạng nợ đọng tăng nhanh. Tổng số nợ của huyện hiện nay khoảng 32 tỉ đồng.

Nợ đọng xây dựng NTM chủ yếu ở cấp xã. Một số xã cơ bản đã có nguồn vốn và đang lập phương án thanh toán nợ, số khác cũng chủ động khai thác quỹ đất để sớm có tiền trả nợ. Theo dự kiến, các xã sẽ thanh toán được khoảng 12 tỉ đồng trong năm 2017 và đến cuối năm 2018 Phú Ninh sẽ giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản.

Ông VÕ THANH ANH, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM huyện Phú Ninh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm