Quảng Nam: Cá chết hàng loạt trên sông Trầu

Theo ghi nhận của PV vào ngày 31-3, trên sông Trầu đoạn qua xóm Lưới (thôn Phú Quý, xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành) có nhiều cá chết nổi trên sông. Cá chết chủ yếu là cá chép, cá diếc, cá rô phi với số lượng lớn. Bên cạnh cá chết còn có xác động vật đang phân hủy bốc mùi hôi nồng nặc.

Cá chết nhiều trên sông. Ảnh: HT

“Cá chết nhiều ngày rồi. Có thể do xi măng của công trình xây dựng đường cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng gần đó bị ô nhiễm làm cá chết” - một người dân nói.

Theo người dân địa phương cho hay, tình trạng cá chết đã diễn ra được vài ngày nay với số lượng khá lớn. Ngay sau khi phát hiện sự việc trên, người dân đã trình báo chính quyền xã Tam Mỹ Đông. Chính quyền ghi nhận sự việc và huy động lực lượng tiến hành thu gom số cá nói trên.

Cá chết trôi theo dòng nước. Ảnh: HT

Đồng thời với việc thu gom, UBND xã đã báo cáo sự việc lên huyện Núi Thành để tìm hướng xử lý. Theo báo cáo, cá chết trên sông tập trung từ khu vực đập Ông Khương đến đập Vân Trai thuộc địa bàn xã Tam Mỹ Đông, Tam Mỹ Tây, Tam Hiệp (huyện Núi Thành). Qua đó, báo cáo cho thấy cá chết nổi trên sông nhưng không rõ nguyên nhân.

Bước đầu cơ quan chức năng xác đinh cá chết là do nhiễm khuẩn Aeromonas sobria.

Chi Cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh Quảng Nam, Phòng NN&PTNT và Phòng TN&MT huyện đã vào cuộc lấy mẫu thử ở những nơi có cá chết để xét nghiệm. Kết quả cho thấy cá chết là do nhiễm khuẩn Aeromonas sobria (đây là loại vi khuẩn gây bệnh xuất huyết, lở loét làm chết cá).

Cá chết cùng xác động vật phân hủy bốc mùi hôi. Ảnh: HT

“Cùng với đó, thời điểm hiện tại do thời tiết nắng nóng, khu vực cá chết có nhiều mùn bã hữu cơ, tạo điều kiện cho vi khuẩn nói trên phát triển mạnh. Chính vì những nguyên nhân trên nên cá trên sông Trầu vẫn tiếp tục chết. Địa phương tuyên truyền người dân không nên sử dụng cá nhiễm bệnh cho người và gia súc” - ông Châu Ngọc Phúc, Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Đông, nói.

Trước đó trên sông Bàn Thạch đoạn qua TP Tam Kỳ (Quảng Nam) cũng xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt nổi trên sông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm