Quảng Bình đề nghị trung ương hỗ trợ 1.220 tỉ đồng

Ngày 16-10, Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng) cho hay tính đến tối 15-10 đã có 11 người chết (Quảng Bình chín người, Thừa Thiên-Huế hai người), ba người mất tích tại Quảng Bình và 18 người bị thương.

Theo đó, hiện Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình đã đề nghị UBND tỉnh có đề xuất kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ban ngành trung ương.

Cụ thể, đề nghị khẩn cấp hỗ trợ cứu đói cho người dân ở những vùng thiệt hại không có gạo để ăn là 5.000 tấn gạo, trước mắt hỗ trợ 2.000 tấn.

Hỗ trợ 250 tỉ đồng, trước mắt hỗ trợ khẩn cấp 100 tỉ đồng để sớm khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra.

Hỗ trợ giống cây trồng phù hợp với cơ cấu giống của tỉnh, cho tỉnh nhận giống tại Công ty Cổ phần Giống cây Quảng Bình, gồm: lúa giống các loại (500 tấn), ngô giống các loại (100 tấn),  lạc giống các loại (100 tấn), hỗ trợ hạt giống rau (15 tấn).

Người dân vùng lũ Quảng Bình, Hà Tĩnh đang cần sự cứu trợ khẩn cấp. Ảnh: Đắc Lam.

Người dân vùng lũ Quảng Bình, Hà Tĩnh đang cần sự cứu trợ khẩn cấp. Ảnh: ĐẮC LAM

Hỗ trợ giống vật nuôi, thuốc xử lý môi trường, nước sinh hoạt và các vật tư thiết bị khác, phòng dịch bệnh vật nuôi, cây trồng khoảng 50 tỉ đồng.

Đề nghị trung ương hỗ trợ tỉnh khắc phục, sửa chữa các công trình thiết yếu để ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân với tổng số tiền là 1.220 tỉ đồng. Gồm hỗ trợ khắc phục sửa chữa công trình bị hư hỏng (300 tỉ đồng), hỗ trợ ngư dân có tàu thuyền bị đứt dây neo, bị sóng gió đánh chìm trong đợt mưa lũ (100 tỉ đồng), hỗ trợ khắc phục sửa chữa hệ thống đường giao thông nông thôn đã bị thiệt hại do lũ lụt để ổn định đời sống nhân dân (400 tỉ đồng).

Đề nghị trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả thiệt hại do lũ lụt, đặc biệt đối với hệ thống trạm y tế xã bị thiệt hại nặng (40 tỉ đồng). Hỗ trợ 300 tỉ đồng để khắc phục hậu quả thiệt hại hệ thống trường lớp học, thiết bị phục vụ dạy và học trên toàn tỉnh đã bị hư hỏng nặng...

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị có chính sách khoanh nợ, giảm lãi suất hoặc không tính lãi suất cho vay đối với các khoản vay của các doanh nghiệp và hộ gia đình bị thiệt hại do bão gây ra, đồng thời tiếp tục có chính sách cho vay ưu đãi để khắc phục hậu quả bão lụt nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Có chính sách hỗ trợ các diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, đặc biệt là diện tích cao su và rừng trồng; hỗ trợ vốn cho ngư dân khôi phục, sửa chữa, đóng mới tàu bị thiệt hại do thiên tai.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà vượt lũ cho người dân ở các vùng thấp, vùng có nguy cơ cao.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương liên quan xây dựng đề án phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Bắc Trung Bộ thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống lụt bão.

 

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng các tỉnh, TP từ Quảng Nam đến Khánh Hòa tính đến 6 giờ ngày 16-10-2016 đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 26.929 tàu/114.055 LĐ biết vị trí, hướng di chuyển của bão Sarika để chủ động phòng tránh, trong đó:

- Khu vực giữa quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa: 91 tàu/677 LĐ (Bình Định).

- Khu vực quần đảo Trường Sa: 363 tàu/3.780 LĐ.

- Hoạt động ở khu vực khác: 4.894 tàu/29.214 LĐ.

- Số tàu đã vào nơi neo đậu tại bến và hoạt động ven bờ: 5.348 tàu/33.671 LĐ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm