Quản lý sao mối nguy thanh niên ngáo đá?

Sáng 5-12, tại phiên thảo luận hội trường kỳ họp thứ sáu HĐND TP.HCM khóa IX, ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm tỏ thái độ lo ngại về tình trạng thanh niên phê ma túy đá.
Bà dẫn chứng vụ thanh niên ngáo đá chạy xe máy chém vỡ hàng loạt kính chiếu hậu ô tô trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) mới đây. “Mối nguy của đối tượng ngáo đá này là mất kiểm soát hành vi, hung hãn gây nguy hiểm cho xã hội. Nhưng hiện chúng ta chưa có biện pháp nào xử lý hiệu quả. Phía quận, huyện cũng gặp khó khăn khi khống chế họ? Cơ quan chức năng cần xem lại công tác quản lý đối tượng này?” - bà Trâm đặt câu hỏi.

ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm đặt câu hỏi. Ảnh: TÁ LÂM

Bà Trâm cũng đặt vấn đề, có cần thay đổi quan điểm xử lý hay không và nếu cần thiết phải nghiên cứu kiến nghị bổ sung quy định, hoàn thiện chính sách quản lý cho phù hợp. Nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả nhóm đối tượng này thì các loại tội phạm liên quan sẽ diễn biến ngày càng phức tạp.

Tuy nhiên, câu hỏi này chưa được cơ quan chức năng trả lời tại phiên thảo luận hội trường sáng nay.
Lên quan đến phòng khám có bác sĩ Trung Quốc, bà Trâm tiếp tục đặt câu hỏi đã xử lý như thế nào trước những sai phạm của các phòng khám này.
Giải trình trước nghị trường, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết trong số 192 phòng khám đa khoa, toàn TP có 17 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc.
Để quản lý chất lượng các phòng khám này, cuối năm 2016, Sở Y tế đã lập đoàn kiểm tra chất lượng toàn bộ 192 phòng khám. Việc kiểm tra kéo dài đến tháng 10-2017, chia thang bậc theo thang điểm 5. “Đáng buồn là 25% phòng khám yếu kém. Còn 25% là tốt. Trong đó các phòng khám Trung Quốc đều kém cả, thang điểm 5 họ chỉ đạt 1,7 điểm. Các thông tin này chúng tôi có công khai luôn trên trang web Sở Y tế để người dân biết” - ông Bỉnh nói.
Trước giải trình này, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải hỏi lại: “Vậy có rút giấy phép được không?”.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết qua kiểm tra lần đầu, 8 phòng khám đã tự đóng cửa, chỉ còn 9 phòng khám. Sau khi Sở kiểm tra lần hai thì đóng cửa thêm 4 cái nữa.
Trong số 5 phòng khám còn hoạt động đến nay thì 4 phòng khám đã được Sở điều chỉnh thu hẹp phạm vi hoạt động của họ. Tới nay, tổng số tiền phạt các phòng khám Trung Quốc là 715 triệu đồng. Ông Bỉnh cho rằng xử phạt như thế vẫn còn thấp, cần phải tăng hình phạt.
Một thực trạng khác, ông Bỉnh kể đó là các phòng khám này đều "vẽ bệnh", tư vấn ban đầu chỉ 5 triệu, sau đó vẽ ra thêm bệnh đến 10 triệu đồng. Đang trong phòng thủ thuật thì tiếp tục kê khai thêm nhiều khoản, người bệnh không làm không được.
“Chúng tôi đã yêu cầu chỉ tư vấn một lần, có sự đồng ý của bệnh nhân mới làm tiếp” - ông Bỉnh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm