Quản lý cơ sở giam giữ theo hệ thống dọc?

Theo ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên), để chống bức cung, nhục hình thì phải ghi âm, ghi hình. Các cơ sở tạm giữ, tạm giam hiện nay do công an huyện/tỉnh quản lý, khi có tố cáo bức cung, dùng nhục hình thì độ tin cậy của băng ghi âm, ghi hình có đủ khách quan? Từ đó, bà Chi đề xuất nên quản lý trại tạm giam, tạm giữ theo mô hình dọc, tức đưa về Tổng cục 8 (Bộ Công an) quản lý.

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) lại đề nghị giữ nguyên mô hình quản lý hệ thống cơ sở trại tạm giam, tạm giữ như hiện nay và lập luận: Công tác quản lý giam giữ theo mô hình này không nảy sinh vấn đề gì quá lớn. Trong khi đó, nếu tổ chức bộ máy độc lập theo ngành dọc phải xây thêm 700 nhà tạm giam, 700 nhà tạm giữ, kinh phí đầu tư lớn và cũng không khắc phục được bất cập. Do đó giải pháp tốt nhất để chống bức cung, dùng nhục hình là “giáo dục đạo đức cho cán bộ điều tra để họ làm đúng quy định pháp luật”.

Chung quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Hồ Trọng Ngũ nói: “Giải quyết bức cung, dùng nhục hình chính là công tác cán bộ, các thủ tục pháp lý ta thực hiện tốt, chặt chẽ thì sẽ khắc phục được”.

Về công tác thi hành án tử hình, ĐB Phạm Xuân Thường nêu bất cập: “Mỗi trường hợp thi hành án tử hình đưa từ Thái Bình vào Nghệ An tốn khoảng 200-300 triệu đồng nhưng không an toàn. Đề nghị QH tạo điều kiện cho Bộ Công an nghiên cứu tổ chức xe tử hình lưu động”.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm