Quận Gò Vấp: Tiểu thương “to tiếng” khi bị dẹp chợ tự phát

Trong đó, điểm chợ tự phát Thạch Đà (phường 14 quận Gò Vấp) là khu vực tập trung nhiều gian hàng, điểm bán tự phát, di động dọc theo cả tuyến đường Phạm Văn Chiêu và đường số 59 xung quanh chợ.

Đồng loạt dẹp chợ tự phát

Sáng cùng ngày, ghi nhận tổ công tác UBND phường 14 gồm cả công an, trật tự đô thị, dân phòng,… tới từng gian hàng, vận động người dân đóng cửa, không tụ tập buôn bán đông người.

Sáng ngày, ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND phường 14 (bìa trái) cùng tổ công tác đến khu chợ tự phát Thạch Đà để vận động bà con dừng việc tụ tập buôn bán. Ảnh NT

Tổ công tác chia từng nhóm, ban đầu thông báo người dân thu dọn các sạp buôn bán tự phát và đóng cửa. Một tổ khác cùng xe ô tô đi sau, trường hợp người dân bất hợp tác thì cưỡng chế.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND phường 14 cũng đến từng hộ dân buôn bán, giải thích, vận động bà con.

Thời điểm này, khu vực tập trung khá đông người dân mua bán và cả người đi đường. Ảnh NT

Theo ông Dũng, từ nhiều ngày trước khi dịch bùng phát, UBND phường luôn quan tâm đến công tác quản lý trật tự đô thị và quản lý các hoạt động kinh doanh tự phát. Đặc biệt là điểm chợ tự phát Thạch Đà.

Ông Dũng cho rằng, chỉ thị 10 ngày 19-6 của UBND TP là một điều kiện để cấp phường kiểm soát mạnh các hoạt động chợ tự phát vì đây là loại hình buôn bán tương đối phổ biến.

“Nếu người dân không chấp hành, không tự giác, mở cửa thì phường sẽ xử lý nghiêm ở hai góc độ. Thứ nhất là các quy định về đóng cửa trong mùa dịch này thứ hai là tụ tập đông người” – ông Dũng nói.

Chợ truyền thống Thạch Đà có hai cổng tiếp giáp đường Phạm Văn Chiêu và đường số 59, nhiều người dân lợi dụng để tập trung mua bán tạo nên khu chợ tư phát rất đông. Ảnh NT

Ghi nhận, lực lượng chức năng tập trung yêu cầu người dân không tụ tập, nhiều dân phòng, bảo vệ dân phố chốt chặn ở hai đầu đường 59 đoạn qua chợ Thạch Đà để yêu cầu người dân không vào mua hàng ở khu vực tự phát.

Theo Chủ tịch UBND phường 14, trong quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn vì người dân chưa chấp hành. “Từ sáng đến nay các lực lượng của phường đã phải căng sức tuyên truyền nhắc nhở, thậm chí xử phạt với trường hợp không chấp hành. Yếu tố quan trọng nhất là tuyên truyền cho bà con hiểu nên vai trò của báo chí rất quan trọng” – ông Dũng tiếp.

Bà Chung, một tiểu thương cho biết do thông tin quá bất ngờ nên đã lỡ nhập hàng về, không thể nào xử lý được nếu bị cấm bán. Ảnh NT

Ông Đỗ Duy Hòa, một người dân bán tại chợ tự phát dọc đường số 59 cho biết trước đó đã không nắm bắt được thông tin về dẹp chợ tự phát, không được tụ tập quá ba người.

“Chúng tôi không có sự chuẩn bị trước, trong đêm khuya lỡ lấy hàng về rồi, sáng nay đọc trên điện thoại mới biết thông tin. Đây là hàng tươi sống, không phải hàng đông lạnh. Bây giờ không bán được là không biết xử lý thế nào” – ông Hòa nói.

Trước đó, tối 19-6, UBND TP.HCM đã ra Chỉ thị về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM do ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM ký.

Trong khi đó, các địa điểm buôn bán có mặt bằng cố định phải tuân thủ các quy định chung về phòng chống COVID-19. Ảnh NT

Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu người đứng đầu các sở ban ngành, chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận huyện siết chặt và tăng cường các biện pháp trọng tâm.

Dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, dừng hoạt động các chợ tự phát.

Không tụ tập trên ba người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

Người dân xin được bán cho hết ngày hôm nay

Sáng ngày 20-6, thấy lực lượng chức năng đến yêu cầu dọn dẹp, ngừng bán hàng, bà Nguyễn Thị Kim Chung một người dân buôn bán hải sản ở góc đường số 59 và Phạm Văn Chiêu (phường 14, quận Gò Vấp) vội vã đưa hàng hóa vào trong và đóng cửa.

Những gian hàng có mặt bằng cố định thuộc chợ Thạch Đà truyền thống vẫn được buôn bán nhưng phải đảm bảo các quy tắc phòng dịch. Ảnh NT

Cá biệt có một số người thiếu hợp tác, to tiếng với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Nhưng phần lớn tiểu thương bày tỏ ý kiến “xin” cho bán hết số hàng hóa, hải sản tươi còn tồn cho hết ngày hôm nay.

“Tụi tôi không có sự chuẩn bị trước, giờ lỡ lấy hàng về rồi, chỉ muốn được cho bán trong ngày hôm nay để đẩy hết hàng. Từ ngày mai trở đi chúng tôi nghỉ bao nhiêu ngày theo quy định cũng được” – một tiểu thương nói.

Trong sáng cùng ngày, nhiều tiểu thương còn thiếu hợp tác khi lực lượng chức năng tới vận động không buôn bán. Ảnh NT

“Là người buôn bán, chúng tôi rất sợ và luôn tuân thủ các quy định như đeo bao tay, đeo kiếng, khẩu trang hạn chế nói chuyện với khách hàng nhưng thực tế là miếng cơm manh áo vẫn phải làm vì không biết dịch đến bao giờ mới hết.

Nếu dịch hai tháng hết, chúng tôi sẵn sàng ở nhà hai tháng ăn rau ăn muối. Nhưng dịch còn tiếp diễn không biết đến khi nào, chúng tôi phải xác định sống chung với lũ. Còn trường hợp có chỉ thị yêu cầu không buôn bán, chúng tôi chấp nhận, ủng hộ chính quyền để chung tay nhưng phải cho chúng tôi biết trước một ngày để chuẩn bị” – bà Chung nói. 

Đến trưa cùng ngày, các chợ tự phát đã ngưng tụ họp. Ảnh NT

Ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND phường 14 cho biết trong ngày hôm nay chủ yếu là nhắc nhở, vận động người dân chấp hành, những ngày tiếp theo sẽ quyết liệt xử phạt.

“Nhiều người dân bày tỏ rằng cuộc sống khó khăn để lấy lý do buôn bán. Thực tế sáng nay nhiều hộ dân vẫn còn hàng tồn thì chúng tôi nhắc nhở, cho bán mang đi với các yêu cầu như giữ khoảng cách, không tụ tập hoặc có biện pháp nào đó xử lý hết hàng tồn này. Riêng ngày mai là tuyệt đối không bán nữa” – ông Dũng nói.

Lãnh đạo UBND phường 14 cho biết, riêng ngày hôm sau sẽ xử phạt cả người bán và người mua theo đúng quy định.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cũng cho biết việc đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các khu chợ truyền thống, chợ tự phát đã được thực hiện quyết liệt nhiều ngày nay.

“Sáng nay đồng loạt những tổ công tác tại các phường đã ra quân nghiêm túc. Nhìn chung, các chợ tự phát đã ngưng tụ họp. Các chợ truyền thống đông người ra vào cũng có lực lượng túc trực, nhắc nhở, chấn chỉnh để đảm bảo giữ khoảng cách, đảm bảo an toàn phòng dịch” – ông Dũng nói.

Tính đến ngày 18-6, trên địa bàn quận Gò Vấp đã phát hiện 148 trường hợp F0, một số trường hợp nghi nhiễm tại các chợ trên địa bàn quận; riêng tại địa bàn phường 14 có 21 trường hợp F0 và sáu khu phong tỏa.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, UBND phường 14 yêu cầu: Đối với các khu vực buôn bán tụ tập đông người tại ở khu vực tuyến dường Lê Văn Thọ; Phạm Văn Chiêu; đường 59; hẻm 49 đường 51; hẻm 965 Quang Trung: Chấm dứt hoạt động buôn bán đối với các hộ kinh doanh không có mặt bằng cổ định. Đối với các hộ kinh doanh có mặt bằng cố định phải thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế, giữ khoảng cách 2m, không tụ tập quá 10 người, không lấn chiếm lòng, lề đường.

UBND phường 14 cũng yêu cầu người dân không mua hàng tại các diểm kinh doanh không cố định, lấn chiếm lòng, lề đường thực hiện nghiêm túc thông điệp 5k của Bộ Y tế, giữ khoảng cách 2m, không tụ tập để bảo vệ mình, gia đình và xã hội. Khuyến khích mua hàng trực tuyến bằng hình thức chuyển khoản, mua thực phẩm đủ dùng cho 3-4 ngày để hạn chế ra vào chợ nhiều lần. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm