Quan điểm của học giả Trung Quốc về sự "hiếu chiến" của Bắc Kinh trên biển Đông

Quan điểm của học giả Trung Quốc về sự "hiếu chiến" của Bắc Kinh trên biển Đông ảnh 1Việc đưa giàn khoan Haiyang 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam là hành động đơn phương gây căng thẳng của Trung Quốc (Nguồn: AP)

TTXVN cho biết nhận định trên tờ “New York Times” (Mỹ) ngày 12/5, ông David Zweig, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Xuyên quốc gia của Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho rằng quan điểm cứng rắn của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) vào hoạt động trái phép ở vùng biển Việt Nam có thể khiến các mục tiêu ngoại giao của Bắc Kinh tại khu vực bị đẩy vào tình trạng nguy hiểm. 

Ông David Zweig cho rằng nếu Trung Quốc không thể hợp tác với Việt Nam sau khi hai nước đã có thỏa thuận song phương (về giải quyết các vấn đề trên biển), vậy thì Trung Quốc sẽ thuyết phục các nước khác như thế nào để họ đồng ý về các thỏa thuận song phương với Trung Quốc?

Quan điểm quyết đoán của Trung Quốc có thể sẽ phản tác dụng nếu như nó khiến các nước Đông Nam Á đi theo bước chuyển trong tâm chiến lược của Mỹ tại châu Á. Tất cả các hành động này của Trung Quốc sẽ khiến các quốc gia Đông Nam Á chào đón chính sách xoay trục của Mỹ.

Quan điểm của học giả Trung Quốc về sự "hiếu chiến" của Bắc Kinh trên biển Đông ảnh 2Trung Quốc hung hăng đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. (Nguồn: AP)


Trong khi đó, TTXVN lúc 10:41 ngày 13-5 cũng thông tin: Trên báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng bản tiếng Anh số ra ngày 12/5, nhận định về tình hình căng thẳng Biển Đông, phó giáo sư Wei Min thuộc Viện Nghiên cứu Á-Phi tại Đại học Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc sẽ là “nạn nhân lớn nhất” nếu như vụ việc này không được giải quyết sớm.

Phó giáo sư Wei Min nhấn mạnh: “Nếu không giải quyết sớm, cho dù lời giải thích mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra là gì đi chăng nữa thì uy tín và lòng tin đối với Chính phủ Trung Quốc sẽ sụt giảm mạnh mẽ. Và điều này sẽ làm tồi tệ hơn tình hình bất ổn ở Biển Đông."

Trước đó, tối 6/5, học giả hàng đầu Trung Quốc Lý Lệnh Hoa nói rằng Trung Quốc là nước ký Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982, do vậy phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước xung quanh.

Thẳng thắn trao đổi với phóng viên Thời báo Hoàn Cầu về cách nhìn nhận của mình, học giả Lý Lệnh Hoa cho biết: “Trung Quốc là nước ký Công ước Quốc tế về Luật Biển, cần phải hành xử theo điều 74 và điều 83, phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước duyên hải xung quanh"./.

PV (Theo TTXVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm