PVN có 40 triệu USD từ nước ngoài về mà không rút ra tiêu được

Sáng 15-11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ sau khi nghe Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đọc tờ trình về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các báo cáo thẩm tra.

ĐB Trần Sỹ Thanh (Lạng Sơn), Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), khi được mời phát biểu ý kiến đã như “trút nỗi lòng”. Ông nói: “Thường thì người ta hay nghe thấy DNNN ước được như DNTN, còn DNTN lại ước được như DNNN”.

Ông Thanh nói DNNN hiện nay như PVN đã phát triển, hình thành rất lâu rồi. PVN như là “ngũ đại đồng đường” rồi, nhưng bất kể một DN nào thuộc PVN làm gì cũng phải xin phép rất cao, thủ tục rất nhiêu khê. “Làm cái gì cũng phải xin tới… ông cố mình ấy” - ông Thanh bộc bạch.

Tuy vậy, ông Thanh cũng thừa nhận, có thể DNTN mong muốn được những ưu đãi về cơ chế, tiếp cận nguồn vốn.

Ông Trần Sỹ Thanh (giữa) đề xuất phải "chạy mô hình, giả lập" xem các quy định mới của hệ thống pháp luật sẽ tác động đến doanh nghiệp thế nào. Ảnh: CHÂN LUẬN

Bày tỏ ý kiến về sửa một số điều của Luật Doanh nghiệp, ông Thanh cho rằng cần phải “giả lập một hệ thống” để xem xét xem các DN sẽ phải vận hành như thế nào trong hệ thống luật pháp.

Dẫn kinh nghiệm của EVN, ông Thanh kể: “Khi vận hành hệ thống với ngành tài chính công chẳng hạn, chúng tôi phải giả lập như là hàng ngàn người phải làm việc để xem có vướng mắc ở đâu. Chạy mô hình xem với Bộ Tài chính, các Sở Tài chính thì va chạm sẽ thế nào, phải gặp ai, bộ phận nào để giải quyết các vấn đề”.

Ông Thanh nói, dù có Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp nhưng thực tế thì còn có các luật khác như Đầu tư công, Quản lý tài sản nhà nước… Những luật này chi phối hành vi của DN từ lúc khai sinh đến khai tử. Theo ông Thanh, cần phải chạy mô hình giả lập để tránh xung đột pháp luật và cũng bảo đảm luật mới ban hành sẽ giúp ích cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.

Về các thủ tục rắc rối, ông Thanh kể, PVN năm ngoái có một khoản 40 triệu USD từ nước ngoài chuyển về nhưng hơn một năm nay không rút ra tiêu được. Trong khi đó, các công ty, doanh nghiệp vẫn phải đi vay để đầu tư.

“Lẽ ra dùng khoản này để đầu tư thì tốt vì không phải chịu lãi. Nhưng cả năm qua tôi tác động các bộ ngành rồi mà không được” - ông Thanh cho biết. Ông cũng nhận định vấn đề này là do “xung đột pháp luật” và thủ tục nhiêu khê. Với pháp luật, nhiều khi chỉ một câu, một chữ, thậm chí một dấu phẩy cũng đã là một câu chuyện rồi.

Sau khi góp ý quy định về quyền hạn của những cổ đông nhỏ trong công ty, ông Thanh định dứt lời thì được Phó Tổng thư ký Quốc hội Bùi Thanh Tùng mời phát biểu về những quy định đầu tư ra nước ngoài.

Ông Thanh bảo: “Thủ tục đầu tư ra nước ngoài, thực sự tôi mệt mỏi lắm rồi, nói mãi rồi. Mình trước tới nay chỉ có tâm lý là chờ đợi người ta đến đầu tư chứ không có tâm thế đi ra nước ngoài. Mà đã đầu tư ra nước ngoài thì phải có sống có chết. Chiến đấu là phải như thế”.

Ông Thanh cho rằng vì những thủ tục đầu tư ra nước ngoài đôi khi rất rắc rối nên làm cho các DNTN mất đi cơ hội. Ông nói, thương chiến Trung - Mỹ vừa rồi, nếu thủ tục không rắc rối thì có thể có DNTN sẽ chớp được cơ hội khi mua được tàu rẻ, ký hợp đồng nhanh để kinh doanh logistics.

“Nhưng thủ tục xong rồi thì cuộc chiến nó qua mất, mất luôn cơ hội. Xin cho vẫn nặng nề quá!”, ông Thanh nói và nhắc lại ý kiến về việc phải chạy mô hình thử nghiệm cho các vấn đề mới trong dự luật. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm