PMC liên tục đòi tăng vốn làm cầu Phú Mỹ

Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ (trước đây là Công ty Cổ phần BOT Phú Mỹ - PMC) vừa có văn bản “nhắc” các sở, ngành TP xem xét, tác động đến cơ quan thẩm quyền sớm duyệt lại tổng mức đầu tư dự án cầu Phú Mỹ.

Vốn đầu tư đội trần

PMC vừa được UBND TP.HCM chấp thuận làm chủ đầu tư xây cầu Sài Gòn 2 theo phương thức BT với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.600 tỉ đồng. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc PMC, cho hay: Cũng như ở dự án cầu Phú Mỹ, PMC sẽ xây cầu Sài Gòn 2 nhưng không phải làm để vụ lợi, mà vì “PMC muốn có những công trình cả trăm năm cho đất nước, cho TP tương tự như dự án cầu Phú Mỹ”.

Nhưng thực tế ở dự án cầu Phú Mỹ lại khác.

Tháng 2-2005, UBND TP.HCM và PMC chấp thuận cho PMC làm chủ đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư trên 1.806 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư này chưa bao gồm lãi vay trong quá trình thực hiện dự án.

Đến nay, ít nhất bốn lần PMC đã kiến nghị xem xét điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án (xem chi tiết bên cạnh). Gần đây nhất, PMC làm nhiều người giật mình khi thông tin: Dự án cầu Phú Mỹ tăng lên thành hơn 3.030 tỉ đồng. Nhưng vẫn chưa đủ vì “PMC đã thực hiện nhiều công việc khác ngoài hợp đồng như chiếu sáng mỹ thuật, mở rộng lề bộ hành trên tuyến đường gom vào cầu Phú Mỹ, xây dải phân cách ngăn các dây văng để an toàn hơn cho người đi đường… Những công việc không tên này PMC có đòi đâu” - ông Thái nói thêm.

PMC liên tục đòi tăng vốn làm cầu Phú Mỹ ảnh 1

Xe gắn máy - nhóm đối tượng bị PMC đòi thu phí. Ảnh: MP

Chỉnh vốn chưa thuyết phục

Ông Thái giải thích việc tổng mức đầu tư của dự án đội lên trên 3.030 tỉ đồng là do phải điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục, thay đổi thiết kế gia tốc chống động đất, bổ sung lãi vay (520 tỉ đồng), bù chênh lệch giá vật tư (hơn 213 tỉ đồng), trượt giá (192 tỉ đồng)… Giá cả nguyên vật liệu trong thời gian xây cầu Phú Mỹ tăng cao ngoài khả năng kiểm soát nhưng nếu không điều chỉnh thì nhà thầu sẽ không tiếp tục thi công. Thủ tướng cũng cho phép các dự án BOT được điều chỉnh giá theo Thông tư 08/2008 của Bộ Xây dựng (chỉ áp dụng cho các dự án sử dụng vốn ngân sách).

Hiện các cơ quan chức năng đang thẩm tra, xem xét việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án cầu Phú Mỹ theo đề nghị mới nhất của PMC là 3.030 tỉ đồng. Nhưng một thành viên từng tham gia tổ chức chọn PMC làm nhà thầu và đàm phán, ký kết hợp đồng BOT với Phú Mỹ nói đây là hợp đồng trọn gói. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án chỉ được điều chỉnh khi nhà nước thay đổi hoặc bổ sung các loại phí, thuế và trong các trường hợp bất khả kháng. Căn cứ theo hợp đồng BOT đã ký, ngoại trừ việc tăng vốn cho việc bổ sung thêm công việc ở dự án thì các yêu cầu điều chỉnh khác đều không có cơ sở.

TP.HCM chỉ chia sẻ rủi ro

Theo Sở GTVT, việc Thủ tướng cho phép vận dụng Thông tư 08/2008 nói trên đối với các dự án BOT không đồng nghĩa với việc PMC đương nhiên được bù giá nguyên vật liệu. PMC cần phải hiểu rằng hợp đồng BOT đã ký là hợp đồng trọn gói. Thông báo của Thủ tướng phát sinh sau này và các điều khoản của hợp đồng không nói đây sẽ là cơ sở để điều chỉnh tổng vốn đầu tư cho dự án. Nhưng để khuyến khích phương thức công tư hợp tác, thu hút tư nhân đầu tư vào các dự án hạ tầng nên nhà nước cùng chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. “Cần nhớ là nhà nước chỉ chia sẻ chứ không phải gánh chịu rủi ro cho nhà đầu tư, nên khó thể có việc bù toàn bộ chi phí trượt giá như đề xuất của PMC” - một lãnh đạo Sở GTVT nói.

Ngoài ra, PMC đã ký hợp đồng khoán gọn, trọn gói từ thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị kỹ thuật, xây lắp đến khi công trình hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào thu phí. Tổng thầu hợp đồng là nhà thầu nước ngoài nên từ đầu thường đã chuẩn bị trước nguồn vật tư cho công trình để tránh bị ảnh hưởng khi có biến động giá. Hợp đồng này cũng theo giá khoán gọn nên giá thắng thầu ban đầu sẽ cố định, bất kể trượt giá các loại tiền, hay biến động giá nguyên vật liệu. Cho nên khi các cơ quan chức năng xem xét đề xuất bù chênh lệch giá vật tư và trượt giá (405 tỉ đồng) thì phải lưu ý đến hợp đồng này.

Nhiều sở đề nghị bác các kiến nghị khác của PMC

- Đề nghị bỏ thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh: Không có trong hợp đồng BOT cầu Phú Mỹ.

- PMC xin 6 ha đất ở quận 2: Không phù hợp với quy hoạch được duyệt là khu công viên cây xanh.

- Kiến nghị khai thác gầm cầu, tuyến đường cầu Phú Mỹ để có thêm nguồn thu: Hợp đồng BOT không quy định.

- Đề xuất cho thu phí xe gắn máy từ năm 2012: Hợp đồng BOT có cho phép thu phí xe gắn máy hai bánh nhưng chỉ được thực hiện từ năm thứ tư kể từ ngày bắt đầu thu phí, tức năm 2013.

- Kiến nghị “gom” xe tải nặng từ các cụm cảng, khu chế xuất, khu công nghiệp qua cầu Phú Mỹ: Việc phân luồng giao thông chỉ là hỗ trợ tối đa chứ không “lùa” tất cả xe tải nặng qua cầu Phú Mỹ.

- Tạm thanh toán 360 tỉ đồng cho ba dự án kết nối vào cầu Phú Mỹ: Theo hợp đồng thì chỉ được thực hiện sau khi PMC hoàn thành toàn bộ các dự án. Tuy nhiên, một phần dự án đã xong, TP có chậm bàn giao mặt bằng nên có thể tạm ứng một phần để chia sẻ khó khăn.

(Trích ý kiến của các sở Tài chính, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư về các kiến nghị của PMC gửi UBND TP)

Lộ trình đòi tăng mức đầu tư

- Tháng 12-2004, UBND TP.HCM phê duyệt tổng mức đầu tư dự án cầu Phú Mỹ hơn 1.806 tỉ đồng.

- Tháng 9-2005, PMC động thổ xây cầu và ba tháng sau thông báo cần phải tăng mức đầu tư.

- Tháng 6-2006, PMC giải trình về việc điều chỉnh thành 1.960 tỉ đồng nhưng chưa đầy một tháng sau, PMC tiếp tục chỉnh thành 1.993 tỉ đồng.

- Tháng 4-2007, UBND TP.HCM tạm duyệt tổng mức đầu tư của dự án hơn 2.077 tỉ đồng.

- Tháng 5-2009, PMC đề nghị bổ sung bù giá vật tư, đẩy tổng mức đầu tư lên trên 2.290 tỉ đồng.

- Tháng 10-2009, PMC nhận ra mức tạm duyệt từ năm 2007 (2.077 tỉ đồng) chưa có hơn 200 tỉ đồng chênh lệch tỉ giá ngoại tệ. Cộng thêm một số chi phí khác và lãi vay trong thời gian xây cầu, PMC đưa ra tổng mức đầu tư mới trên 3.030 tỉ đồng.

MINH PHONG - NGUYÊN VÕ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm