Phương án chủ động chống thảm họa vỡ hồ Dầu Tiếng

Những năm qua, dù hồ Dầu Tiếng (xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) xả lũ thấp hơn nhiều so với thiết kế nhưng đã gây ngập lụt nặng nề cho TP.HCM. Chính vì thế, chiều 31-7, UBND TP.HCM đã bàn thảo kế hoạch ứng phó khẩn cấp khi hồ này gặp sự cố hoặc xả lũ đúng thiết kế.

Mới rỉ nước đã… nhảy dựng!

Theo thiết kế, lượng nước tràn xả lũ của hồ Dầu Tiếng là 2.800 m3/giây nhưng lượng nước xả lũ nhiều năm qua chỉ 200-600 m3/giây. “Cuối năm 2008, chỉ sau 2 giờ hồ xả 400 m3/giây thì nhiều khu vực ở TP.HCM ngập nặng. TP phải cấp báo Bộ NN&PTNT hỗ trợ, hồ mới ngưng xả” - ông Trần Công Lý, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) TP.HCM, thông tin.

Còn với Bình Dương, Sở NN&PTNT tỉnh này cho hay trước năm 2000 hồ Dầu Tiếng xả lũ 500 m3/giây địa phương không hề gì. Nhưng cuối năm 2012, hồ Dầu Tiếng xả 200 m3/giây thì có đến 320 ha ở huyện Dầu Tiếng bị ngập nặng.

Phương án chủ động chống thảm họa vỡ hồ Dầu Tiếng ảnh 1

Hồ Dầu Tiếng chưa xả lũ đúng thiết kế nhưng người dân TP.HCM đã thấm thía cảnh ngập. Ảnh: MP

Một nghiên cứu của Tổng cục Thủy lợi (thuộc Bộ NN&PTNT) cũng chỉ ra: Khi hồ Dầu Tiếng xả trên 500 m3/giây thì mực nước sông Sài Gòn tại Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Phú An (TP.HCM) vượt báo động 3. Nếu xả 2.800 m3/giây thì có khoảng 26.000 ha thuộc 111 xã, phường ở Bình Dương và TP.HCM bị ngập. Còn khi đập vỡ, khoảng 34.000 ha của 125 xã, phường sẽ chìm trong biển nước.

Nhà lầu cũng không thoát

Theo Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TP.HCM, khi mưa lớn kéo dài sinh ra lũ lớn, lũ kép thì bắt buộc đơn vị quản lý, vận hành hồ Dầu Tiếng phải xả tràn ở mức cực đại, tức 2.800 m3/giây. Trong vòng 9 giờ sau đó, nước sẽ cuồn cuộn đổ về huyện Củ Chi và gây ngập 5,2 m. Không dừng ở đó, nước tiếp tục chảy sâu vào nội thành và gây ngập cho trung tâm TP.HCM với độ sâu trên 2 m.

Trường hợp xảy ra lũ cực hạn ở thượng nguồn, hồ Dầu Tiếng sẽ phải mở van, xả tối đa lên đến 3.600 m3/giây. Khi đó, thời gian nước về đến huyện Củ Chi và vùng trung tâm TP.HCM sẽ ngắn hơn và gây ngập cho hai nơi này với độ sâu lần lượt hơn 5,7 m và gần 2,1 m.

Kịch bản xấu nhất là hồ Dầu Tiếng bị vỡ đập chính sẽ tạo ra dòng nước có lưu lượng gần 25.500 m3/giây. Chỉ hơn 3 giờ sau đó, huyện Củ Chi bị ngập đến 10,25 m và trung tâm TP.HCM ngập 2,15 m sau 24 giờ.

Năm 1986 cửa đập đã từng vỡ

Theo ông Lê Xuân Bảo, Phó Giám đốc ĐH Thủy lợi (Cơ sở 2), hồ Dầu Tiếng có đập chính là đập đất cao 28 m, dài 1.100 m, rộng 8 m với sáu cửa đập tràn xả lũ. Ngoài ra, hồ còn có đập phụ cao 27 m, dài 27.000 m, rộng 5 m có ba cửa xả nước tưới tiêu. Hồ có mực nước chết là 17 m, mực nước dâng bình thường 24,4 m và mực nước siêu cao là 26,3 m (ứng với hơn 2 tỉ m3 nước).

Dung tích phòng lũ và dung tích siêu cao chỉ sử dụng khi vùng thượng nguồn có xảy ra tổ hợp bất lợi, lượng nước đổ về hồ lớn, cần phải cắt lũ để giảm thiệt hại cho hạ du. Trong trường hợp này, hồ sẽ “gồng mình” giữ nước chờ sau lũ mới xả dần để đưa nước hồ về mực bình thường. “Nếu hồ Dầu Tiếng vỡ thì đây sẽ là thảm họa. Nhưng khả năng xảy ra sự cố vỡ hồ được xác định là rất khó với xác suất 10.000 năm/lần” - ông Bảo nhận xét.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia trong ngành thủy lợi cho rằng sự cố tại hồ Dầu Tiếng rất khó nói trước, bởi vào năm 1986 cửa đập hồ này đã vỡ. Tại cuộc họp ngày 31-7, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà cũng cho rằng việc xây dựng các kịch bản khi hồ xả lũ theo thiết kế hoặc bị vỡ không phải quan trọng hóa vấn đề mà để có sự chuẩn bị, chủ động sẵn sàng ứng phó.

“Đề nghị Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TP.HCM xây dựng các kịch bản chi tiết về các mức độ ngập tương ứng với các tình huống hồ Dầu Tiếng xả lũ theo thiết kế hoặc bị vỡ. Trên cơ sở này, các sở ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để di dời người dân đến nơi an toàn, cũng như bố trí lực lượng khắc phục sự cố” - ông Hà yêu cầu.

Hồ Dầu Tiếng được xây dựng năm 1981 và đưa vào khai thác từ năm 1985. Đây là công trình thủy lợi cấp 1, nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn. Hồ có nhiệm vụ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và chống xâm nhập mặn cho sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An và TP.HCM. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất nước ta hiện nay.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm