Phú Yên: Đón giao thừa trên đỉnh núi thiêng

Đêm cuối năm, đứng trên đỉnh núi Nhạn, nhìn ra xa, biển như rực lên trước giờ khắc đón năm mới. Từ trên đỉnh núi này, người ta nhìn thấy được toàn cảnh thành phố bên bờ sông Ba đang rực rỡ với hoa, đèn màu trang trí, với hàng vạn người đổ ra đường đón giao thừa trong niềm hân hoan, phấn chấn. Cũng từ trên đỉnh núi này, người ta cùng lúc chiêm ngưỡng ba cây cầu bắc qua hạ lưu sông Ba, trong đó cầu Đà Rằng cũ vốn là cây cầu dài nhất miền Trung trên quốc lộ 1, cầu Đà Rằng mới với tấp nập người xe, cầu Hùng Vương lung linh với giàn đèn phản chiếu từ dòng sông. Giữa đỉnh núi Nhạn là tòa tháp Chăm cổ uy nghi, rực sáng bởi những ngọn đèn chiếu lên từ dưới chân tháp; xung quanh tòa tháp là những ngôi chùa đã có từ hàng trăm năm nay với những tượng Phật lớn khiến khung cảnh càng trở nên thiêng liêng vô cùng.

Pháo hoa rực rỡ trên đỉnh núi Nhạn. Ảnh: TẤN LỘC

Ngay dưới chân dưới Nhạn là hội hoa xuân đang tấp nập dòng người chen chúc giữa rừng hoa. Người mua, người bán đều vội vàng trong những giờ phút cuối cùng để kịp đón giao thừa. 

Năm nay, tỉnh Phú Yên tổ chức bắn pháo hoa đón giao thừa trên đỉnh núi Nhạn nên lượng người đến núi Nhạn xem pháo hoa, đón giao thừa càng đông hơn những năm trước. Nô nức giữa dòng người đi đón giao thừa, ông Lê Văn Ngân (65 tuổi, ngụ phường 2, TP Tuy Hòa) bày tỏ: “Ngày nào tôi cũng đi bộ lên núi Nhạn tập thể dục song đêm nay tôi thấy khung ở đây bỗng dưng hết sức thiêng liêng. Giữa thời khắc này, ai cũng muốn bày tỏ ước nguyện một năm mới an lành, thịnh vượng, hạnh phúc”.

Trong dòng người lên núi Nhạn có một nhóm bạn trẻ mang theo một số cây giống để trồng. Nguyễn Vân Anh (ngụ phường 8, TP Tuy Hòa, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) chia sẻ: “Khi lên núi Nhạn đón giao thừa, nhiều người muốn hái lộc xuân nhưng nếu ai cũng làm vậy thì sẽ tổn hại đến những rừng cây. Tụi em muốn ngày mai có thêm những cây con lớn lên, bổ sung vào khu rừng để giữ mãi mùa xuân”.

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm