Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Xóa bỏ tín dụng đen ở nông thôn

Ngày 28-6, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức hội nghị tổng kết năm năm (2012-2016) thực hiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam bộ tại TP Cần Thơ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị ngày 28-6. Ảnh: NN

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chúng ta phải phấn đấu từ ba đến năm năm tới, tín dụng chính sách phải phủ sóng toàn bộ đối tượng. 100% hộ nghèo và cận nghèo, chính sách thuộc đối tượng vay vốn nếu có đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn phải được tiếp cận. Mục tiêu thứ hai là chúng ta phải đẩy lùi, hạn chế, xóa bỏ tín dụng phi chính thức, nhất là tín dụng đen tại nông thôn”.

Ông Huệ cho biết mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng Đảng, Chính phủ đã dành 23.000 tỉ vốn ngân sách nhà nước trong chương trình đầu tư công cho ngân hàng chính sách từ nay đến năm 2020 (trong hai triệu tỉ đầu tư công cả nước). Ông Vương Đình Huệ đánh giá chưa bao giờ có đóng góp lớn như thế, nhiều chương trình bị cắt do khó khăn nhưng chưa bao giờ cắt chỗ này.

Một số giải pháp về huy động vốn, theo ông Huệ, là duy trì và tăng tiền gửi của các ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách. 13 tỉnh trong vùng phải tăng mức cấp vốn từ ngân sách địa phương mà ủy thác cho vay tại ngân hàng chính sách vì “chỉ có được chứ không mất gì hết vì nợ xấu rất thấp” (cả nước 0,6%). Ngân hàng chính sách phải nghiên cứu cách huy động vốn trong dân thông qua quỹ tiết kiệm…

“Ngoài ra, cũng phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng chính sách, tránh những tiêu cực phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách. Phấn đấu trong 10 năm tới bức tranh về tín dụng chính sách của khu vực đẹp hơn, góp phần xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp…” - Phó Thủ tướng nói.

Năm năm qua đã có trên 2,35 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong khu vực được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội. Ảnh: NN

Báo cáo tổng kết năm năm thực hiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam bộ của ngân hàng chính sách cho thấy tại thời điểm xây dựng đề án (2012), tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại khu vực Tây Nam bộ là hơn 16.900 tỉ đồng. Trong đó nợ quá hạn là gần 640 tỉ, chiếm 35% nợ quá hạn toàn quốc. Đến ngày 31-12-2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam bộ đạt gần 27.840 tỉ, tăng gần 11.000 tỉ so với cuối năm 2011.

Về cơ cấu dư nợ, có tám chương trình tín dụng có dư nợ lớn chiếm gần 94% tổng dư nợ là cho vay hộ nghèo gần 4.880 tỉ, cho vay học sinh, sinh viên gần 4.800 tỉ, cho vay hộ cận nghèo gần 4.700 tỉ, cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hơn 4.600 tỉ, cho vay hộ mới thoát nghèo 2.630 tỉ, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 2.130 tỉ, cho vay giải quyết việc làm gần 1.200 tỉ, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở hơn 1.000 tỉ...

Trong giai đoạn 2012-2016 đã có trên 2,35 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong khu vực được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp gần 386.000 hộ vay vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút, tạo việc làm mới cho trên 147.000 lao động, trong đó trên 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Giúp trên 184.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Ngoài ra, xây dựng trên 1 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, trên 36.000 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có trên 20.000 căn nhà vượt lũ...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm